Khu vườn đồi “đẻ trứng vàng” của gia đình Chủ tịch UBND xã ở huyện 30a tỉnh Quảng Ngãi

Hành trình gỡ đá làm vườn cây ăn quả của ông Chủ tịch UBND xã

Chúng tôi tìm đến nhà Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt, vào một trưa đầu tháng 7/2024. Sau khi nghe ý định tìm hiểu của chúng tôi, anh Vượt cười xoà, gầy dựng nên khu vườn của gia đình được như ngày hôm nay, công đầu là của bà xã (vợ anh Vượt), chứ bản thân chỉ là người phụ giúp trong thời gian nghỉ, rảnh mà thôi.

Khu vườn đồi “đẻ trứng vàng” của gia đình Chủ tịch UBND xã ở huyện 30a tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh 1.

Chủ tịch xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt bên cây ăn trái đã trồng trong vườn nhà. Ảnh: Công Xuân.

Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt kể, anh quê gốc ở huyện Mộ Đức, lên Sơn Tây từ năm 1997, với công việc ban đầu là thanh niên xung phong lập nghiệp. 

Năm 2009, anh được tuyển dụng và phân công làm việc tại xã Sơn Long cho đến bây giờ.

Tại thời điểm trên, do Sơn Long nằm ở vị trí cách trung tâm huyện gần cả chục cây số, đi lại khó khăn chứ không thuận lợi như bây giờ, nên đất đai ở vùng đồi núi còn trống và bị bỏ hoang khá nhiều.

Bên cạnh đó, không như nhiều nơi khác ở Sơn Tây, đất sản xuất ở Sơn Long vừa xấu, đá lại nằm dày đặc nên việc canh tác vô cùng khó khăn, hiệu quả kinh tế kém hơn và phần diện tích vườn của gia đình anh Vượt cũng không là ngoại lệ.

Do vậy, 2 vợ chồng anh mất một thời gian rất dài, tốn không biết bao nhiêu công sức phát quang, thuê phương tiện đào đá chuyển đi nơi khác.

Vườn cây ăn quả của gia đình Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi

Anh Vượt nhớ lại, điều kiện kinh tế gia đình cũng rất khó khăn, con còn nhỏ mà nguồn thu nhập chỉ dựa vào quán tạp hoá nhỏ của vợ, đồng lương công chức của bản thân, nên việc tạo vườn cây làm theo kiểu “có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Khu vườn đồi “đẻ trứng vàng” của gia đình Chủ tịch UBND xã ở huyện 30a tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh 2.

Ổi, một trong số loại cây ăn trái mà anh Vượt đã trồng. Ảnh: Công Xuân.

Sau nhiều năm vất vả và cặm cụi chăm sóc, trong phần diện tích khuôn viên của gia đình anh Vượt đã dần phủ kín màu xanh của hàng chục loại cây ăn trái, số lượng đàn gà, vịt lợn…tăng dần.

Chủ tịch xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt không giấu giếm, so với nhiều hộ dân khác trong vùng, gia đình có thuận lợi hơn trong tiếp cận thông tin về giống cây trồng, vật nuôi mới và tiến bộ KHKT…

Tận dụng lợi thế này, cùng với quy hoạch diện tích vườn nhà thành những khu vực nuôi, trồng phù hợp, anh Vượt còn áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”; mạnh dạn đưa về thử nghiệm trồng những giống cây mới, có giá trị kinh tế cao.

Nhờ vậy mà hiệu quả của vật nuôi, cây trồng mang lại không những cải thiện cuộc sống gia đình, mà anh còn có thêm nguồn và điều kiện để cải tạo hoàn thiện, nâng giá trị cho toàn bộ diện tích khu vườn.

Thuần hoá giống cây ăn trái “quý tộc”

Một trong số những loại cây ăn trái hiện đã sinh trưởng, bén rễ và đang được anh Vượt nhân rộng là sầu riêng, với số lượng khoảng 200 cây, hiện đang ra lứa quả bói đầu tiên.

Khu vườn đồi “đẻ trứng vàng” của gia đình Chủ tịch UBND xã ở huyện 30a tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh 3.

Anh Vượt bên cây sầu riêng đã cho trái. Ảnh: Công XUân.

Nói về cơ duyên đối với giống cây “quý tộc” này, anh Vượt cho biết cách đây khoảng 4 năm, vô tình gặp được người đi bán cây giống dạo, nên nảy sinh ý định mua trồng thử 2 cây.

Sầu riêng gia đình Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt trồng trong vườn.

Dù không chăm sóc và để phát triển theo kiểu “tự sinh”, nhưng sầu riêng phát triển khá tốt, rồi cho ra lứa bói đầu tiên vào năm 2022.

Điều khá bất ngờ là chất lượng thịt sầu riêng trồng tại vườn nhà anh Vượt được nhiều người ăn thử đánh giá không kém, thậm chí còn ngọt thanh và thơm hơn so với sầu riêng ở miền Nam đưa về bán.

Trước kết quả này, anh Vượt đã đầu tư mua, trồng thêm khoảng 200 gốc ở nhiều khu vực trong vườn và đến nay, đã cho ra lứa quả bói đầu tiên.

Đến thời điểm này vì trái chưa chín nên không biết chất lượng số cây sầu riêng mới trồng thế nào, nhưng anh Vượt khẳng định, cây sinh trưởng và phát triển rất tốt, với số lượng quả bói tính hàng chục, có trường hợp lên đến 20 trái/cây.

Theo đó để dưỡng và tránh cho cành bị gãy ngã vì số lượng ra quả nhiều, tại mỗi cây anh Vượt đã chọn để lại một số quả nhất định, còn lại thì hái bỏ.

Khu vườn đồi “đẻ trứng vàng” của gia đình Chủ tịch UBND xã ở huyện 30a tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh 5.

Một góc vườn đồi của anh Vượt. Ảnh: Công Xuân.

Cùng với sầu riêng, hiện anh Vượt cũng đang thử sức với giống cây hồng ở phía Bắc, với số lượng trái bói hiện đang ra khá “ấn tượng”

Sau hàng chục năm cả 2 vợ chồng cùng “đổ công, dốc sức”, hiện khu vườn rộng khoảng 2 ha của gia đình Chủ tịch xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt thừa sức làm “mê mẩn” cho bất cứ những ai đến thăm.

Qua quan sát của PV Dân Việt, gần như những loại cây ăn trái thông thường được trồng ở huyện Sơn Tây và cả vùng đồng bằng đều có mặt và sinh trưởng tốt, ra quả đều đặn trong vườn nhà của gia đình anh Vượt, như cam, chanh, bưởi, ổi, dứa, mít, sầu riêng…còn vật nuôi thì có bể cá rô, heo ky, lợn, gà, ngỗng, vịt….


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *