Thua liên tiếp, ĐT Việt Nam thiếu điều gì?
Sau khi thua 0-3 trước ĐT Nga, ĐT Việt Nam do HLV Kim Sang-sik có trận giao hữu thứ 2 với ĐT Thái Lan, đối thủ “truyền kiếp” trong sân chơi khu vực. Rõ ràng, kết quả của các trận đấu giao hữu kiểu này không phải yếu tố quan trọng nhất. Với HLV, đây là cơ hội để rà soát các yếu tố trong quá trình xây dựng đội bóng.
Hiệp 1, thế trận nghiêng về đội khách Thái Lan. Họ cầm bóng nhiều hơn, khống chế khu vực giữa sân. Các cầu thủ Việt Nam rất khó kiểm soát bóng, phối hợp phát động tấn công.
Người xem cảm nhận được sự lép vế, thiếu tính liên kết của các cầu thủ tiền vệ ĐT Việt Nam. Trước sức ép của đối phương, họ không cầm được bóng để phối hợp. Như vậy, với những gì thể hiện ở hiệp 1, về căn bản, nỗ lực duy trì lối chơi kiểm soát của đội bóng đã thất bại.
Vào hiệp 2, cả 2 đội đều có thay đổi về lối đá. ĐT Việt Nam có 2 trận đấu, trước đó đã gặp ĐT Nga để làm quen với tốc độ của các cầu thủ châu Âu, vốn sẽ có mặt khá nhiều trong đội hình Indonesia và Philippines, đồng thời thực hành thế trận phòng ngự phản công trước đội bóng mạnh hơn và 1 trận với đối thủ được cho là vừa tầm để thực hành hình thái chiến thuật kiểm soát, áp đặt.
ĐT Thái Lan thì chỉ có 1 trận đấu với ĐT Việt Nam. Có thể vì vậy, hiệp 1, ĐT Thái Lan triển khai lối đá kiểm soát và họ dành hiệp 2 để thực hành đá phòng ngự phản công. Có thể chính nhờ điều đó, cùng với việc thay đổi nhân sự, ĐT Việt Nam có hiệp 2 khởi sắc hơn, ép sân và kiểm soát tốt hơn khu vực giữa sân.
Ngoài nhiều điểm chưa hoàn thiện của ĐT Việt Nam mang tính chiến thuật cụ thể trong trận đấu này, kiểu như thoát pressing không tốt ở hiệp 1 hay chống phản công không tốt ở hiệp 2, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích điểm yếu mang tính hệ thống của đội bóng trong nỗ lực xây dựng lối chơi kiểm soát của ĐT Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Kim Sang-sik.
Đầu tiên, phải khẳng định, ĐT Việt Nam sẽ không quay trở lại lối đá phòng ngự phản công kiểu của HLV Park Hang-seo nữa, dù HLV trưởng ĐT Việt Nam là ai. Việc xây dựng cho đội bóng có lối đá kiểm soát là đường đi đúng hướng, là xu hướng của bóng đá hiện đại, thể hiện tham vọng của đội bóng. Nhưng không phải cứ muốn đá kiểm soát là được.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy điểm yếu của đội bóng trong quá trình thực hành kiểm soát bóng, kiểm soát thế trận như việc duy trì khoảng cách đội hình không tốt, biểu hiện là có quá nhiều tình huống các cầu thủ cầm bóng, lúng túng xoay sở và không thể tìm được địa chỉ chuyền bóng thuận lợi. Ngoài ra, các cầu thủ ĐT Việt Nam rất hay mắc lỗi khi xử lý bóng ít chạm, dẫn đến các đường chuyền thiếu chính xác hoặc dễ để đối phương bắt bài.
Thực tế, những biểu hiện nêu trên thể hiện điểm yếu mang tính hệ thống của ĐT Việt Nam trong quá trình thực hành lối đá kiểm soát, đó là chúng ta tuy không thiếu các cầu thủ tài năng, đã thành danh và dày dạn kinh nghiệm, nhưng chúng ta không có nhiều những cầu thủ giỏi các kỹ năng thực hiện lối đá kiểm soát, kiểu kỹ năng như của Nguyễn Hoàng Đức. Xem Hoàng Đức thi đấu, chúng ta thấy các động tác kỹ thuật của anh chỉ là những động tác kỹ thuật cơ bản, không có gì quá đặc biệt, quá phức tạp, tốc độ của anh cũng không có gì ghê gớm. Nhưng lấy bóng trong chân anh lại rất khó.
Đó là lý do HLV Troussier đã nói: “Phải có 20 Nguyễn Hoàng Đức, ĐT Việt Nam mới đi đá World Cup được”. HLV Kim Sang-sik biết điều đó, vì thế ông đã thử nghiệm Hoàng Đức ở vị trí tiền vệ “treo” cao trong trận gặp Nga trong thế trận phòng ngự phản công rõ ràng, rồi về tiền vệ tổ chức trong trận gặp Thái Lan ở hiệp 2 trong thế trận kiểm soát. Sự có mặt của anh góp phần tạo nên tính liên kết tốt hơn cho đội bóng, tạo ra thế trận tích cực hơn cho ĐT Việt Nam trong hiệp 2 trước ĐT Thái Lan.
Chính điểm yếu mang tính hệ thống này của bóng đá Việt Nam là lý do HLV Troussier trong giai đoạn đầu của quá trình dẫn dắt ĐT Việt Nam đã triệt để ưu tiên các cầu thủ trẻ, nhằm huấn luyện họ từ đầu các kỹ năng phục vụ lối đá kiểm soát này. Là HLV chuyên nghiệp, ông hiểu rất rõ rằng các cầu thủ đã dày dạn kinh nghiệm rồi thì mặt trái là rất khó thay đổi thói quen thi đấu cũng như sửa chữa lỗi kỹ thuật. HLV Troussier là HLV có tầm nhìn, có thực tế huấn luyện ở Việt Nam, nhưng tiếc rằng ông không đủ kiên định với con đường cải cách của mình. Còn NHM chúng ta, những người có quyền đòi hỏi thành tích thì dường như đã thiếu kiên nhẫn.
HLV Kim Sang-sik hay HLV nào đi chăng nữa, muốn đội bóng thực hành được lối đá kiểm soát thì đều phải thay đổi điều này. Mà mọi thay đổi mang tính hệ thống thì đều đòi hỏi nhiều công sức và thời gian cả, mà ASEAN Cup 2024 thì đã quá gần. Để nhanh có kết quả hơn, có lẽ chỉ có cách chúng ta phải học người Indonesia, đó là nhập tịch cầu thủ.
Leave a Reply