Nên ứng xử đúng mực khi nhận lì xì trong ngày Tết
Xoay quanh câu chuyện lì xì năm mới, trao đổi với PV báo Dân Việt, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM chia sẻ: “Một trong những lý do Tết bỗng dưng mất vui là vì sự chuyển trạng thái từ người nhận lì xì sang người đi lì xì, là “mong ruột bao dày 1 tý” của trẻ em sang cảm giác áp lực của người lớn. Thế nên câu hỏi: “Lì xì 10k, 20k thì có nên không?” sẽ tiếp tục vang lên nếu tư duy “vật chất quyết định ý thức” luôn hiện diện bất kể bối cảnh, thời điểm.
Nếu trách đứa nhỏ kém duyên khi vô tư mở bao lì xì ra rồi bĩu môi chê bai tiền ít, thì phần nhiều đến từ việc gia đình chưa giải thích cho trẻ hiểu ý nghĩa của phong tục này. Thậm chí một số gia đình còn biến hoạt động mang ý nghĩa may mắn trở thành việc kiếm chác, tính toán lỗ lãi để so sánh với số tiền mình bỏ ra. Và cũng chẳng khó hiểu khi trẻ mất niềm tin vào những lời giáo huấn nếu một mặt nói: “Lì xì không quan trọng bao nhiêu” nhưng hồn nhiên đăng hình khoe tiền.
Bên cạnh văn hoá cho – nhận lì xì, người lớn còn bỏ qua cơ hội giáo dục về việc tiết kiệm, quản lý tài chính cho trẻ khi lập tức thu hồi số tiền ấy với lý do “để ba/mẹ giữ giúp”, “con còn nhỏ, đừng dính dáng đến tiền bạc sớm”. Tình và tiền là hai thứ xuất hiện mỗi ngày trong cuộc sống, bảo vệ con bằng cách ngăn cấm không làm cho trẻ ngây thơ, hồn nhiên hơn mà còn vô tình đẩy trẻ vào vùng thiếu kiến thức và kỹ năng ứng xử phù hợp.
Đây có lẽ là lúc thích hợp nhất để ôn lại bài học về chuyện lì xì – về ý nghĩa của phong tục lâu đời, và giáo dục tài chính cho tương lai của con”.
Tiền lì xì của con nên làm gì?
Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc mừng tuổi chính là cơ hội để người lớn giáo dục con trẻ về sự biết ơn, kỹ năng quản trị tài chính… Các bậc phụ huynh cần dạy các em hiểu rằng, giá trị tinh thần trong tiền mừng tuổi đôi khi còn lớn hơn giá trị vật chất. Và ngay cả những đồng tiền trong phong bao lì xì cũng phải được trân trọng bởi đó là sức lao động của người tặng.
Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, từ phong bao lì xì, cha mẹ cũng có thể giúp trẻ học cách quản lý tài chính. Ngay từ đầu, cha mẹ nên thống nhất với con rằng tiền lì xì không chỉ là món quà vật chất mà còn chứa đựng tình cảm của người tặng dành cho con. Đổi lại, cha mẹ cũng có trách nhiệm lì xì những bạn nhỏ khác. Về số tiền con được nhận từ lì xì, con sẽ giữ một phần vì con đã đến tuổi cần phải chi tiêu cho nhu cầu cá nhân như mua thiết bị học tập, quà sinh nhật tặng bạn…
“Nhận tiền lì xì, con không chỉ chi tiêu cho mình mà còn phải chia sẻ, giúp đỡ những người khác với mục đích tốt đẹp. Người khác ở đây không chỉ là người trong gia đình mà có thể là những bạn nhỏ kém may mắn hơn con. Cha mẹ phải tận dụng cơ hội này để cùng con lên kế hoạch chi tiêu phù hợp, giúp con nhận ra giá trị tốt đẹp của tiền mừng tuổi, không lệ thuộc vào giá trị vật chất đơn thuần trong những phong bao lì xì”, PGS.TS. Trần Thành Nam cho hay.
Ngoài ra, theo PGS.TS. Trần Thành Nam, các bậc phụ huynh cần xác định rõ rằng, nếu muốn giáo dục con hướng đến những giá trị của tình yêu thương và những nét đẹp văn hóa của dân tộc thông qua việc lì xì thì cách thức, tác phong, lời nói của người lớn khi đưa phong bao lì xì tặng trẻ cũng rất quan trọng. Ý nghĩa của phong bao lì xì không chỉ nằm ở giá trị vật chất, mà còn được thể hiện qua thái độ, ở lời chúc tụng và gửi gắm tình cảm của người tặng đến người nhận. Với những gia đình muốn tập trung vào giá trị tinh thần của phong tục mừng tuổi thì các bậc phụ huynh có thể chuyển những đồng tiền lì xì trở thành món quà sáng tạo, như lì xì hạt giống hoặc tự mình vẽ những phong bao lì xì mang lời chúc tốt đẹp.
Lấy tiền lì xì của con có bị phạt không?
Nhiều phụ huynh băn khoăn trước việc lấy tiền lì xì của con có bị phạt không, luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Trong Tết, đối tượng được nhất lì xì nhiều nhất là trẻ nhỏ. So với Tết xưa, thì Tết nay số tiền lì xì của trẻ ngày càng nhiều hơn, có khi lên tới cả chục triệu đồng. Vì thế, để tránh việc con tiêu tiền không kiểm soát, đa số các bậc phụ huynh đều thay con giữ số tiền này.
“Điều 75, 76 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định rõ, con cái có tài sản riêng và nếu con từ đủ 15 tuổi trở lên thì được tự mình hoặc nhờ cha, mẹ giữ. Tiền lì xì được xem là tài sản riêng của con theo quy định.
Con dưới 15 tuổi sẽ do cha mẹ giữ tiền mừng tuổi. Khi con đủ 15 tuổi trở lên, cha mẹ có thể đưa lại cho con hoặc có thể sử dụng vì lợi ích của con. Tuy nhiên, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì khi sử dụng tiền lì xì của con, cha mẹ phải xem xét nguyện vọng của con”, luật sư Lực phân tích
“Theo quy định tại khoản 1 điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi bạo lực về kinh tế nếu bố mẹ có hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của con cái thì có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Mặc dù thế cũng không thể quy chụp việc ba mẹ giữ tiền lì xì của con là hành vi “chiếm đoạt tài sản riêng của con” và áp dụng mức phạt đến 30 triệu đồng. Nhiều trường hợp ba mẹ chỉ muốn giúp con quản lý số tiền đó và trang trải vào các hoạt động cần thiết cho con”, ông Lực thông tin.
Leave a Reply