Ba năm ăn cơm chay “đẩy bay” trăm cân tạ

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Đi qua hơn 20km, chúng tôi tới Ấp Giồng Sao, xã Tân Phú Trung (Củ Chi, TP.HCM). Con hẻm dẫn vào nhà Lê Văn Công có nhiều cây, bầu không khí trong lành, yên tĩnh cùng nhịp sống khá chậm của người dân nơi đây như xua tan những mệt mỏi ca chúng tôi trên hành trình lách qua những cung đường chật kín người dưới tiết trời nóng bức, ngột ngạt trước đó. Con trai lớn của Lê Văn Công tên là Tuấn Anh, chuẩn bị lên lớp 9 ra mở cửa đón khách với nụ cười bẽn lẽn: “Cháu học văn hoá khá tốt, mê bóng đá nhưng còn nhút nhát lắm”, Công mở lời chào thay con!

Khác với anh, em gái Trâm Anh hồ hởi khoe con vừa kết thúc năm học lớp 2 với thành tích học tập xuất sắc. Nhìn sang vợ – chị Chu Thị Tám, Lê Văn Công bộc bạch nhờ bà xã đảm đang lo việc gia đình nên anh mới có thể toàn tập tập trung vào chuyên môn với quyết tâm “phải thành công” ở mọi giải đấu để “làm quà” tặng vợ con.

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Mái ấm hạnh phúc của lực sĩ Lê Văn Công.

Phải chăng chính gia đình là điểm tựa tinh thần, động lực giúp Công vượt qua những cơn đau do chấn thương hành hạ để tiếp tục tiếp tục tập luyện, thi đấu ở tuổi 40?

– Từ lâu tôi đã xem cử tạ như cuộc sống của mình. Cử tạ mang lại cho tôi rất nhiều thứ và đã ăn sâu vào máu, vào trong tâm trí của tôi. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tập luyện, hoàn thành tốt giáo án của ban huấn luyện đề ra cho mình trong từng ngày, từng tuần, qua đó duy trì phong độ, sức khoẻ tốt nhất.

Lúc này, hai vai của tôi đều bị những chấn thương mãn tính và phải sử dụng thuốc xịt tê, hạn chế cơn đau khi thi đấu. Mỗi lần thi đấu xong khi thuốc tê hết tác dụng, hai tay tôi như bị liệt tạm thời.

Sau đó, phải mất khoảng 30 phút nhờ HLV hỗ trợ căng cơ, ép các nhóm cơ giúp mình lưu thông máu tốt tại các vùng bị đau, tôi mới có thể tự lăn xe.

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay
Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

“Hai vai của tôi đều bị những chấn thương mãn tính và phải sử dụng thuốc xịt tê, hạn chế cơn đau khi thi đấu”.

Công có thể chia sẻ về chi tiết những chấn thương mà mình phải đối mặt?

– Sau khi giành 2 HCV World Cup 2024 tại Thái Lan vào tháng 5 vừa qua, trở về nước tôi thấy mình bị đau nhiều ở hai vai. Đi kiểm tra, bác sĩ của Trung tâm HLTTQG TP.HCM yêu cầu phải tiêm huyết tương để đẩy nhanh quá trình tái tạo cơ, hồi phục hướng tới Paralympic 2024 diễn ra vào tháng 9.

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Thường sau khi tiêm xong tôi phải nghỉ 2-3 ngày. Vậy nên tôi thường chọn tiêm vào ngày thứ 6, sau đó về nhà nghỉ dịp cuối tuần, tiết kiệm thời gian, đỡ lãng phí một ngày tập luyện. 

Vai phải của tôi bị rách cơ, rách sụn vai từ năm 2018. Vai trái bị đứt dây chây chằng từ cuối năm 2009. Thời điểm đó, do tập luyện với cường độ cao chuẩn bị cho Asean Para Games, giải vô địch châu Á nên tôi bị đứt 90% dây chằng. Do chưa đứt hết nên không phải mổ mà vừa tập vừa dưỡng. Sau này, dây chằng cũng khoẻ lại nhưng do tập luyện nhiều nên điểm bám bị viêm, thành chấn thương mãn tính.

Với hai vai bị đau, quá trình tập luyện của tôi rất khó khăn. Nếu như quá trình khởi động bình thường chỉ mất 20-30 phút thì tôi cần tới khoảng 1 tiếng để HLV giúp làm nóng hết các nhóm cơ rồi mới bắt đầu tập với những mức tạ nhẹ. Đến khi cơ bắp nóng hoàn toàn, tôi mới mới tập nặng.

Để chuẩn bị cho Paralympic 2024, tôi tập luyện tại Trung tâm HLTTQG TP.HCM từ thứ 2 tới thứ 7. Buổi tập chính là thứ 2, 4, 6, thường tập từ 2,5 tiếng – 3 tiếng. Ngày lẻ tập thể lực, tập các nhóm cơ trong khoảng 1 tiếng rồi nghỉ.

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Lực sĩ Lê Văn Công trò chuyện cùng phóng viên Báo điện tử Dân Việt.

Độc cô cầu bại” Asean Para Games suốt từ năm 2007 tới nay, từng giành HCV Asian Para Games 2014, HCV Paralympic Rio 2016, giành HCV, lập kỷ lục thế giới 2017 (Mexico) với mức tạ 183,5 kg. Vậy trong bộ sưu tập của mình, Công nhớ nhất tấm huy chương nào?

– Đó là tấm HCV World Cup 2016 ở Malaysia. Hai ngày trước khi bước vào thi đấu, tôi nằm li bì vì bị sốt siêu virus, không tập luyện được. Thầy cho mức tạ 140kg mà tôi cũng không nâng nổi.

Các bác sĩ cho thuốc hạ sốt và may mắn tôi kịp bình phục để thi đấu. Với tất cả ý chí của mình, tôi đã đẩy thành công 180kg, giành HCV.

Sau này, thời điểm 2019 tôi đã bán đấu giá chính tấm HCV World Cup 2016 để lấy tiền giúp cháu bé hàng xóm chữa bệnh hiểm nghèo. Tôi cũng chỉ biết liên tưởng và nói với cháu rằng chú đã cố gắng vượt qua bệnh tật, cơn sốt siêu virus để giành được HCV này. Hy vọng cháu có thêm động lực chiến thắng bệnh tật, trở lại với cuộc sống bình thường.

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Theo dòng tâm sự, Lê Văn Công bảo ông trời rất công bằng khi cho anh gặp rất nhiều người tốt, bù đắp lại khiếm khuyết bị liệt hai chân từ khi sinh ra: “Nếu không có sự giúp đỡ của mọi người chắc chắn sẽ không có Lê Văn Công ngày nay. Ngay cả những người tôi vô tình gặp trên đường cũng tặng tôi tiền, giúp tôi vượt qua những ngày tháng cơ cực nhất. Đó cũng là lý do mà mỗi khi có cơ hội giúp đỡ ai đó, tôi luôn cố gắng làm hết sức!”

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Lực sĩ cử tạ người khuyết tật Lê Văn Công và khoảnh khắc vỡ òa giành HCV Paralympic 2016. Ảnh: Tư liệu

Sinh ra đã bị liệt hai chân, chắc chắn Công đã phải vượt qua rất nhiều thử thách từ khi bắt đầu cp sách tới trường…

– Tôi đã trải qua một tuổi thơ vất vả. Tới trường, các bạn hay trêu ghẹo mình, gọi mình là “thằng què”, chê tôi không biết đá bóng, đạp xe… khiến tôi vô cùng tủi thân và từng bỏ học ở nhà.

Xong rồi cô chủ nhiệm tới tận nhà động viên tôi tiếp tục tới trường. Mỗi lần bạn trêu cô lại bênh khiến tôi được an ủi. Khi đã yên tâm có cô “bảo lãnh” rồi, tôi tập trung vào học.

Càng lớn, mình càng có ý thức cố gắng, coi những lời chế nhạo của bạn học thành động lực để mình học giỏi hơn bạn. Tôi coi đó như một cách “đáp lại”, khiến các bạn không dám coi thường, không trêu mình nữa.

Học lực của tôi cũng thuộc hàng khá, giỏi. Hết cấp 2, tôi học bổ túc văn hoá cấp 3, thi vào trường Kỹ nghệ II ở TP.HCM, học kỹ thuật điện tử, và một mình rời quê nhà Hà Tĩnh để tới Sài Gòn học tập từ năm 2003.

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Hơn 20 năm sau, từ một chàng trai tật nguyền một mình xa quê tới TP.HCM bươn trải, rèn luyện, lúc này, Công đã là một “người hùng” của Thể thao Việt Nam, có một tổ ấm hạnh phúc. Cuộc đời Công có thể ví như một câu chuyện cổ tích…

– Tôi cảm thấy mình may mắn khi từ nhỏ đến lớn đều có người ở bên cạnh động viên, giúp đỡ. Khi học cấp 1, cấp 2 có cô giáo chủ nhiệm, sau này khi tới TP.HCM, tôi được một bác đồng hương thương, cho ở trọ miễn phí ở Bình Thạnh. Các thầy thi thoảng cũng qua hỗ trợ cho thùng mỳ tôm, cho thêm ít tiền đi chợ.

Tôi cũng có những người bạn ở lớp tin học buổi tối, thấy mình hết tiền, lại cho mượn trước, bảo cố gắng tập luyện, thi đấu, khi nào có tiền thưởng trả lại cũng được.

Thời điểm mới tới TP.HCM, tôi vừa đi học, vừa đi làm, vừa đi tập, thu nhập không có, phải đi xin cơm chay, ăn cơm chay ở chùa 3 năm. Anh chị trong đội cử tạ còn bảo đùa: “Thằng Công này là một quái vật”. Ăn cơm chay ngày hai bữa mà đi tập vẫn đẩy được 150-160kg.

Thời điểm đi ăn cơm chay đó, vô tình đi trên đường, tôi gặp được một anh tên là Khanh, anh ấy người ngoài Bắc, làm ở một Công ty bia. Anh Khanh đã dẫn tôi ra ngân hàng mở cho một tài khoản và hỗ trợ tôi 300 nghìn đồng/tháng trong vòng một năm. Số tiền đó thời điểm 2006-2007 quý lắm!

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Có thể nói trong giai đoạn khó khăn nhất của đời mình tôi gặp được rất nhiều người tốt giúp đỡ. Vậy nên sau này, mỗi khi có cơ hội là tôi lại muốn chia sẻ, giúp đỡ lại những hoàn cảnh khó khăn khác, giúp họ có thêm động lực sống.

Cơ duyên nào đưa Công tới với thể thao?

– Khi mới tới TP.HCM, tôi chỉ có cái xe lăn đi bằng bánh gỗ, thường xuyên di chuyển một ngày hai chiều từ nhà tới trường học, mỗi chiều 10km, rất cực nhọc.

Sau này, tôi xin được vào trong ký túc xá ở miễn phí. Buổi sáng học ở trường, buổi chiều, tôi đến mấy tiệm đồ gỗ đánh bóng, đánh véc-ni các bộ bàn ghế salon. Ông chủ thương bảo tôi không cần cứng nhắc về mặt thời gian, cứ học xong, rảnh giờ nào ra làm giờ đó.

Tôi cứ vừa đi học vừa đi làm, tối lại đi học tin học tại CLB Hướng nghiệp khuyết tật trẻ TP.HCM. Tại đây, thầy chủ nhiệm đã giới thiệu tôi vào CLB thể thao quận Tân Bình.

Ban đầu các thầy bảo tập điền kinh do tay tôi cong, các thầy sợ khi nâng tạ nặng sẽ trật khớp.

Nhưng trước sau tôi chỉ thích tập cử tạ nên cuối cùng các thầy chiều sở thích.

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay
Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay
Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Lực sĩ Lê Văn Công trong một buổi luyện tập. Ảnh: FB nhân vật

Những ngày đầu chập chững theo đuổi đam mê có khó khăn lắm không Công?

– Năm 2005 tôi bắt đầu làm quen với cử tạ, dụng cụ tập luyện thiếu thốn, không có máy tập hỗ trợ các nhóm cơ, chỉ có mỗi cái bàn tạ để mình nằm cử.

Vậy là các thầy lại chế mấy sợ dây chun, buộc vào bờ tường cho tôi ngồi kéo thêm. Thời gian của tôi gần như kín mít. Sáng đi học, chiều đi làm, làm xong tới chỗ tập, tối đi học thêm tin học. Thường tôi bắt đầu một ngày khi thức dậy lúc 4 giờ 30 – 5 giờ sáng và về nhà khi đã nửa đêm.

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Đi qua một hành trình vô cùng gian khó mà chỉ có ý chí, nghị lực phi thường mới có thể vượt qua, lúc này, Lê Văn Công đã có tất cả những gì mà một người bình thường phải ao ước: Một bộ sưu tập đầy đủ những tấm huy chương ở mọi cp độ, một gia đình hạnh phúc với vợ và hai con ngoan, học giỏi, một ngôi nhà tương đối khang trang.

Trong suy nghĩ của mình, Công luôn cảm ơn vợ mình, cô gái đã dám quả quyết thuyết phục gia đình: “Nếu không được lấy anh Công thì con sẽ ở vậy, không lấy ai”. Nghĩ lại chuyện tình hiếm có của mình, Lê Văn Công chỉ cười vui: “Mình có biết tán tỉnh gì đâu, cuối tuần cũng chỉ biết tới chỗ cô ấy làm, cùng nhau uống nước, nói chuyện, dạo phố một chút rồi về….

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Lực sĩ Lê Văn Công chia sẻ niềm vui cùng gia đình sau khi giành vàng tại Paralympic Rio 2016. Ảnh: FB nhân vật

Hành trình vượt khó như một “giấc mơ có thật” ca Công đã khiến nhiều người nể phục. Trên hành trình ấy của Công không thể thiếu bóng dáng “nàng”…

– Kể ra cũng không có gì đặc biệt. Thời điểm năm 2005, một hôm, anh bạn ở cùng nhà với tôi rủ tôi đi cùng tới thăm em gái đang làm công nhân may. Tới đó, tôi tình cờ gặp bà xã bây giờ, vốn cũng là công nhân may, ở trọ cùng em gái người bạn.

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Ấn tượng đầu tiên của tôi về “nàng” là mái tóc dài tới tận gót chân. Vợ tôi gặp nói: “Cháu chào chú!”, vui vui, tôi cũng ghẹo lại: “Cháu lớn nhanh chú chờ”.

Sau đó, tôi và “nàng” cũng liên hệ qua lại. Cứ cuối tuần tôi lại tới nhà kho chỗ mấy chị em làm việc để được gặp nhau nói chuyện, uống nước, sau đó dạo phố một chút rồi về thôi.

Ba năm sau kể từ ngày quen, hôm đó, tôi làm liều cầm tay “nàng” và nhận được nụ cười đáp lại. Thấy “nàng” để yên tay cho mình lắm, tôi biết mình đã tỏ tình thành công, vậy thôi.

Sau cái “nắm tay” ấy, mất bao nhiêu lâu nữa Công mới có thể “rước nàng về dinh”?

– Thời gian từ lúc được “nàng” nhận lời yêu đến lúc cưới được vợ cũng căng thẳng lắm bởi khi tôi gặp các anh bên gia đình vợ đang làm ở TP.HCM, họ phản đối quyết liệt, bắt vợ tôi về quê, cắt đứt liên lạc trong vòng 6-7 tháng.

Cũng may tôi vẫn lưu giữ địa chỉ nhà vợ và quyết định viết thư tay gửi về quê vợ ở Nghi Lộc (Nghệ An). Nhận được thư, vợ tôi chủ động gọi điện lại và “bật đèn xanh” cuối năm nay về quê, “bố mẹ em đồng ý rồi”!

Nghe thế tôi mừng quá, chỉ chuẩn bị nhanh vài bộ đồ là lên đường. Tôi giấu bố mẹ mình và chỉ khi sang bên ngoại, ông ngoại đồng ý xong xuôi hết rồi mới gọi điện để hai ông thông gia nói chuyện với nhau.

Sau này tôi cũng hỏi vợ mình em làm cách nào mà tài thế, có thể thuyết phục cha mẹ cho anh được cưới em. Vợ bảo, em có nói với bố mẹ là là nếu ngăn cấm không cho con lấy anh Công, con sẽ ở vậy luôn, không lấy ai hết. Thế là bố mẹ chịu!

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Ý tứ lùi vào phòng trong để chồng thoải mái bộc bạch với phóng viên, tới khi câu chuyện giữa chúng tôi dần khép lại, chị Chu Thị Tám, vợ Lê Văn Công mới ra ngồi bên cạnh chồng chia sẻ: “Em đến với anh Công như một chữ duyên vậy. Mình xa nhà vào TP.HCM làm việc, chỉ mong tìm được một người chân thành. Anh Công không có được đôi chân như những người bình thường nhưng tôi cảm nhận được trái tim nồng ấm, đôi bờ vai vững chắc, là chỗ dựa đáng tin cậy cho cả gia đình. Nhiều năm nay, tôi cũng đã nghỉ việc, tập trung chăm sóc hai con để anh Công yên tâm thi đấu, mang vinh quang về cho Tổ quốc”…

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Giây phút hạnh phúc bên vợ và con gái.

Phía trước Lê Văn Công đang là kỳ Paralympic thứ 3 liên tiếp và chắc hẳn Công đang muốn hoàn tất “cú hat-trick” huy chương Thế vận hội sau tấm HCV Paralympic Rio 2016 và HCB Paralympic Tokyo 2020?

– Bao năm qua, kể cả trong tập luyện hay thi đấu, tôi luôn tự nhủ phải thành công vì vợ, vì gia đình. Phải cố gắng hơn nữa để đạt thành tích tốt, làm “quà” tặng vợ con.

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Tại World Cup cử tạ 2024 vừa qua tại Thái Lan, tôi giành HCV khi nâng thành công mức tạ 168kg. Thông số này không phải là tốt nhất nhưng tôi cũng rất hài lòng. Khả năng tôi còn có thể nâng hơn nữa nhưng đã quyết định dừng lại để tránh chấn thương trước thềm Paralympic 2024.

“Điểm rơi” phong độ mà ban huấn luyện cùng tôi hướng tới là vào đầu tháng 9 tới khi thi đấu Thế vận hội.

Hiện tại, bên cạnh đối thủ nhiều duyên nợ của tôi là Qarada Omar Sami Hamaeh (Jordan, HCV Paralympic 2020 do nặng kém Công 1 lạng; thành tích tốt nhất là 182kg), VĐV Kayapinar Abdullah (Thổ Nhĩ kỳ, thành tích tốt nhất là 174kg) cũng rất mạnh.

Ngoài ra còn có ba đối thủ tiềm năng khác đã nâng được trên 170kg. Cuộc cạnh tranh huy chương hạng -49kg nam của tôi tại Paralympic 2024 hứa hẹn sẽ rất quyết liệt. Tôi luôn tin vào khả năng của mình, gặp đối thủ càng mạnh thì tôi thi đấu càng “sung”, thể hiện được ý chí của mình, phát huy hết tiềm năng bản thân để chiến thắng.

Theo Công, đâu là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một nhà vô địch thế giới và Paralympic?

– Với môn cử tạ được quyết định nhiều bởi thể lực, muốn thành công, trước khi chiến thắng đối thủ thì phải chiến thắng chính mình đã.

Bản thân tôi luôn phải cố gắng hoàn thành tốt giáo án của ban huấn luyện đề ra. Ngoài thời gian tập chính thức còn phải tập thêm thể lực để có thể trạng tốt, không bị hụt hơi khi thi đấu.

Yếu tố tâm lý đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các VĐV khi lên sàn đấu. Chỉ cần một chút “lo sợ”, thiếu tập trung, sơ sảy một chút là mình không thực hiện được tốt động tác, kể cả nâng tạ thành công cũng không được tính thành tích do bị trọng tài bắt phạm quy.

Cùng với đó, VĐV cũng cần có sự kết nối tốt với ban huấn luyện, các đồng đội để động viên nhau chiến thắng.

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Lực sỹ Lê Văn Công đã đánh bại các đối thủ Omar Qarada (Jordan) và Kayapinar (Thổ Nhĩ Kỳ) để giành huy chương Vàng nội dung 49kg Nam tại Giải Cử tạ Người Khuyết tật Vô địch Thế giới 2023. Ảnh: FBNV

Công có thần tượng VĐV thể thao nào không?

– Trước khi đến với cử tạ, năm 2003, qua ti-vi, tôi xem các anh chị đội tuyển cử tạ người khuyết tật Việt Nam thi đấu Asean Para Games tại Hà Nội và cảm thấy rất thích.

Tôi hâm mộ anh Chu Văn Phi Quốc khi thấy anh rất giỏi, đẩy được 138kg. Nhìn tạ rất bự, tôi thầm nghĩ mình nếu mình đi tập sẽ cố gắng đẩy được.

Sau này đi tập năm 2005, tôi được làm đồng đội của anh Phi Quốc và được anh chỉ bảo, chia sẻ nhiều điều, giúp mình vượt qua những cơn đau nhức cơ thể khi mới “vào nghề”.

Ngoài cử tạ, tôi cũng mê xem bóng đá với các kỳ EURO, World Cup và thần tượng huyền thoại Argentina Maradona.

Lực sĩ Lê Văn Công: Ba năm ăn cơm chay

Nếu cuộc đời là một giấc mơ, Công có muốn mình có một giấc mơ khác với một đôi chân lành lặn?

– Tôi là người theo đạo nên cũng đọc Kinh Cựu ước và Tân ước. Những cuốn sách đó giúp tôi có thêm niềm tin, vững tin hơn về cuộc sống, sống bằng lương tâm, biết hạ cái tôi xuống để nhìn ra thiếu sót của bản thân, khắc phục điểm yếu để hoàn thiện mình.

Những trải nghiệm trong quá khứ giúp tôi hiểu rằng mỗi người có một số phận. Điều quan trọng là mình phải biết bằng lòng với hiện tại, đối mặt, giải quyết khó khăn của bản thân để vươn lên.

Xung quanh tôi, vẫn còn rất nhiều số phận khổ hơn mình rất nhiều. Như cháu bé hàng xóm không may mắc bệnh hiểm nghèo, tôi chỉ có thể giúp chút tiền từ việc bán đấu giá tấm HCV World Cup 2016, nhiều nhà hảo tâm biết chuyện cũng tới giúp đỡ để bố mẹ cháu không phải bán nhà chữa bệnh con. Vậy mà cuối cùng cháu cũng không thể qua khỏi!

Hay như người bác đồng hương làm ơn cho tôi ở trọ miễn phí ngay từ những ngày đầu tiên tôi “lạ nước lạ cái” từ quê tới TP.HCM đi học, đi làm, bác cũng đã mất trong mùa dịch Covid-19 như rất nhiều người không may khác.

Tôi bị liệt hai chân từ nhỏ, nhưng may mắn là tôi đã gặp được rất nhiều người tốt giúp mình đi qua những ngày tháng cơ cực nhất. Lúc này, tôi rất hài lòng với những gì mình đang có. Nếu được làm lại, tôi vẫn sẽ chọn con đường mình đã đi”.

Chúc Công luôn hạnh phúc bên gia đình và gặt hái thêm những tấm huy chương trên đấu trường quốc tế!

Lê Văn Công sinh năm 1984 trong một gia đình thuần nông có 5 anh em trai, Công là thứ 2, tại thành phố Hà Tĩnh. Trong sự nghiệp của mình, Công thống trị đấu trường khu vực với những tấm HCV liên tiếp từ Asean Para Games 2007 tới nay.

Lê Văn Công cũng đã giành HCV Asian Para Games 2014, HCV Paralympic Rio 2016 cùng nhiều HCV châu Á, thế giới. Anh hiện đang là người giữ kỷ lục thế giới hạng -49kg nam cử tạ người khuyết tật với thông số 183,5kg xác lập tại World Cup 2017 (Mexico). Năm 2016, với thành tích giành HCV Paralympic Rio 2016, Lê Văn Công đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *