Kiện toàn hệ thống SPS Việt Nam, thành lập nhiều điểm hỏi đáp về SPS hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hiệp hội

Ngày 5/9, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam ký quyết định ban hành Kế hoạch triển khai của Bộ NNPTNT về thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do” được Thủ tướng phê duyệt ngày 19/6/2024 (sau đây gọi tắt là Đề án SPS).

Theo kế hoạch, Văn phòng SPS Việt Nam là đơn vị đầu mối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong Bộ, các Bộ ngành có liên quan, địa phương và hiệp hội ngành hàng. Tổ chức theo dõi, đôn đốc, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch; báo cáo và tham mưu Lãnh đạo Bộ xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, triển khai thực hiện Đề án SPS, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tổ chức nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về SPS. Trong đó, xuất bản chuyên đề về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật trong thương mại nông sản; Tổ chức thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức về năng lực của Việt Nam trong việc thực thi các nghĩa vụ đối với Hiệp định SPS của WTO và các cam kết SPS trong các Hiệp định thương mại tự do; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, cập nhật các quy định SPS, các quy định pháp luật có liên quan…

Kiện toàn hệ thống SPS Việt Nam, thành lập nhiều điểm hỏi đáp về SPS hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, các Hiệp hội - Ảnh 1.

Ngày 5/9, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam ký quyết định ban hành Kế hoạch triển khai của Bộ NNPTNT về thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do” được Thủ tướng phê duyệt ngày 19/6/2024. Trong ảnh là nhà máy chế biến sầu riêng đông lạnh của Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm phát luật. Trong đó, tổ chức triển khai đối với việc theo dõi thi hành pháp luật từ Trung ương đến địa phương; Xây dựng các chính sách, chương trình, kế hoạch dài hạn để khuyến khích việc sử dụng sản phẩm hữu cơ; Xây dựng các chính sách, chương trình, kế hoạch dài hạn để khuyến khích việc trồng, sử dụng và bảo tồn các nòi, giống thuần chủng, bản địa và phương pháp canh tác hữu cơ nhằm bảo vệ sự cân bằng, an toàn sinh thái và phát triển bền vững đối với các sản phẩm trồng trọt…

Thứ ba, tăng cường năng lực phân tích và đánh giá rủi ro các mối nguy mất an toàn thực phẩm, sinh vật gây hại và dịch bệnh. Theo đó, sẽ đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực, cán bộ quản lý, kỹ thuật, thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật và hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống phòng thí nghiệm, các tổ chức đánh giá sự phù hợp của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủy quyền (các Trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu trực thuộc Sở NNPTNT tỉnh) và các phòng được chỉ định.

Đánh giá mức độ chuẩn hóa của hệ thống quy định của Việt Nam theo tiêu chuẩn, khuyến nghị quốc tế Codex, WOAH, IPPC và mức độ các kiểm định tương đương của Việt Nam đáp ứng quy định SPS của các thị trường trọng điểm.

Phân tích nguy cơ dịch hại/dịch bệnh để có biện pháp xử lý và giảm thiểu tác động của việc xâm nhiễm và bùng phát dịch bệnh qua việc nhập khẩu giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và sản phẩm sinh học sử dụng trong trồng trọt và chăn nuôi.

Rà soát, bổ sung các hoạt động nhận diện, cảnh báo, phòng ngừa và kiểm soát các chất ô nhiễm, các tác nhân gây ô nhiễm tác động đến sức khoẻ con người và sức khoẻ động, thực vật.

Quản lý và kiểm soát các nguồn phát sinh chất ô nhiễm khó phân huỷ và các chất độc hại (bao gồm cả các yếu tố vật lý như nhiệt độ, phóng xạ) theo vòng đời nhằm đảm bảo giảm thiểu khả năng chất ô nhiễm khó phân huỷ đi vào chuỗi thực phẩm.

Thứ tư, hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế về SPS. Cụ thể: Rà soát, sửa đổi bổ sung, công bố và phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thực phẩm; xây dựng và công bố các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thực phẩm của Việt Nam mà Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex quốc tế chưa có hoặc không đáp ứng được yêu cầu thực tế của thị trường.

Kiện toàn hệ thống SPS Việt Nam, thành lập nhiều điểm hỏi đáp về SPS hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, các Hiệp hội - Ảnh 2.

Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại hội nghị “Phổ biến các quy định và cam kết về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)”, tổ chức tại Cà Mau hồi tháng 11/2023.

Rà soát, sửa đổi bổ sung, công bố và phổ biến các quy định về kiểm dịch động vật (trên cạn và dưới nước) phù hợp với quy chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị của Tổ chức Thú y thế giới.

Rà soát, sửa đổi bổ sung, công bố và phổ biến các quy định về kiểm dịch thực vật phù hợp với quy chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị của Công ước Bảo vệ thực vật quốc tế.

Thứ năm, kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm, xét nghiệm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thứ sáu, công nhận lẫn nhau về SPS.

Thứ bảy, kiện toàn hệ thống SPS Việt Nam. Trong đó, kiện toàn cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Văn phòng SPS Việt Nam và phát triển các điểm hỏi đáp SPS và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hội, hiệp hội tại địa phương…

Ngoài ra, đầu tư cho khoa học công nghệ và các nhiệm vụ liên quan khác như: Tăng cường công tác theo dõi, dự báo và thông báo sớm khả năng các đối tác thương mại đưa ra các quy định mới về SPS; Phối hợp, liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước về SPS của Việt Nam với các cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực SPS…


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *