Để hiểu rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn cũng như những giải pháp mà tỉnh Kiên Giang đã thực hiện để đạt được kết quả trong xây dựng nông thôn mới như ngày hôm nay, phóng viên Dân Việt có buổi trao đổi với ông Lê Hữu Toàn – Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) tỉnh Kiên Giang.
Xin ông cho biết, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh Kiên Giang đến thời điểm này đã đạt được những kết quả như thế nào?
– Qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng“. Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ tạo nên diện mạo mới cho nông thôn; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành; nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về xây dựng NTM được nâng lên.
Đối với tỉnh Kiên Giang, tính đến nay đã có 111/116 số xã đạt chuẩn NTM (chiếm 95,7%). Trong đó, có 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 16,38%), chưa có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 7/15 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (chiếm tỷ lệ 46,66%, gồm các huyện Tân Hiệp, Gò Quao, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, An Biên, Kiên Lương và TP.Hà Tiên).
Thưa ông, đạt được những kết quả nói trên, với vai trò Chánh Văn phòng điều phối NTM ông tâm đắc nhất điều gì?
– Điều tôi tâm đắc nhất là sự đoàn kết nhất trí của Đảng bộ, chính quyền, cả hệ thống chính trị và sự thống nhất, đồng lòng của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh Kiên Giang trong tham gia xây dựng NTM. Bên cạnh đó là được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành tỉnh trong thời gian qua.
Trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã có những bước phát triển nhanh, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) liên tục duy trì ở mức cao hơn so với bình quân chung cả nước, quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực; thu hút đầu tư, thu ngân sách nhà nước, kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng mạnh.
Một trong những điểm nổi bật trong bức tranh tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh thời gian qua chính là sự thay đổi nhanh chóng, rõ nét ở khu vực nông thôn. Đó không chỉ là sự phát triển về kết cấu hạ tầng, sự chuyển đổi về phương thức sản xuất mà còn là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, khát vọng vươn lên làm giàu của mỗi người dân và là nếp sống văn hóa, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, trách nhiệm xã hội trong các cộng đồng dân cư nông thôn,…
Diện mạo nông thôn của tỉnh có nhiều thay đổi, môi trường, cảnh quan xanh – sạch – đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân thật sự được nâng lên, đặc biệt là thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt; hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ theo quy hoạch.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, các chính sách xã hội và an sinh xã hội được thực hiện kịp thời. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao phát triển rộng khắp; ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, các hoạt động nhân ái, từ thiện tiếp tục được khơi dậy và phát huy.
Đặc biệt xuyên suốt trong quá trình thực hiện Chương trình, luôn quán triệt tinh thần “xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”; do đó tuyệt đối không chủ quan, bằng lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được mà phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa, đổi mới sáng tạo. Phát huy những thành tích đã đạt được; tập trung khắc phục những hạn chế, khó khăn; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tiếp tục đẩy mạnh phát triển phong trào xây dựng NTM tại địa phương.
Thưa ông, những giải pháp căn bản mà tỉnh đã thực hiện để đạt được kết quả như hôm nay là gì?
– Giải pháp căn cơ, xuyên suốt của tỉnh trong quá triển thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đó là luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy cao sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội; tiếp tục phổ biến mục tiêu, nội dung các cơ chế chính sách của Chương trình, rút kinh nghiệm và phổ biến cách làm hay, các mô hình hiệu quả.
Cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với các đoàn thể, tổ chức tuyên truyền, vận động tới từng cộng đồng, hộ dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia bàn bạc, thực hiện và giám sát thực hiện các nội dung chung; hướng dẫn nhân dân thực hiện các nhiệm vụ của từng cộng đồng, từng hộ gia đình. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; tạo điều kiện để người dân thực sự là chủ thể thực hiện Chương trình.
Áp dụng đầy đủ các cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở các vùng sâu vùng xa, điểm xuất phát thấp. Lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ nhân dân thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới; thực thi chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp về nông thôn.
Tập trung chỉ đạo các xã đã đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải hoàn thiện nâng cao chất lượng xây dựng NTM bền vững. Tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa quy hoạch, điều chỉnh Đề án xây dựng NTM phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn; gắn quy hoạch cấp xã với quy hoạch huyện và tỉnh.
Chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn. Ưu tiên nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp… Đẩy mạnh phong trào thi đua “Kiên Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, đến nay Kiên Giang là một trong những tỉnh có số xã đạt chuẩn NTM cao nhất khu vực, 111/116 xã (chiếm 95,7%). Ông có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quá trình tỉnh thực hiện?
– Qua hơn 10 năm đưa vào thực tế triển khai cho thấy xây dựng NTM là Chương trình tổng hợp chính trị – kinh tế – xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ CNH – HĐH. Vì vậy để thực hiện có kết quả tốt phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, nhất là có vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp và của Ban chỉ đạo để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự quan tâm của toàn xã hội. Điều này có ý nghĩa quan trọng dẫn dắt và thúc đẩy thực hiện Chương trình.
Khẳng định và tạo điều kiện về cơ chế chính sách để người dân thực sự làm chủ thể, phát huy vai trò tích cực của các thôn, bản trong xây dựng NTM là yếu tố quyết định cho sự thành công của Chương trình. Cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phát huy tính chủ động và sáng tạo của người dân. Nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, thực sự quan tâm tới lợi ích thiết thực của dân trong việc quyết định lựa chọn nội dung, quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM ở địa phương.
Phải nắm vững, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Chỉ thị, nghị quyết cấp trên nhằm tổ chức thực hiện và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào thực tế của cơ sở. Cơ chế chính sách ban hành phải kịp thời, sát với thực tế; việc vận dụng phải linh hoạt, phù hợp với địa phương. Có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách. Nắm vững mục tiêu và hệ thống tiêu chí NTM để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và yêu cầu bức thiết của người dân ở từng địa phương; phát huy cao các nguồn lực tại chỗ; lựa chọn, tập trung hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên tạo ra sự chuyển biến thực tế trên diện rộng, tạo niềm tin vào Chương trình. Giải quyết công việc phải nhạy bén, phù hợp với thực tiễn không dập khuôn, máy móc.
Để đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện chương trình cần phải tiến hành lồng ghép vốn của các chương trình, dự án đầu tư khác từ các nguồn ngân sách Trung ương, địa phương.
Xây dựng nông thôn thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao và sản xuất… Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, khen thưởng kịp thời và xứng đáng cho các tập thể làm tốt, các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực, hiệu quả cho Chương trình…
Xin ông cho biết, kế hoạch xây dựng NTM của tỉnh trong năm 2024?
Theo kế hoạch số 65/KH-UBND, ngày 3/6/2024 của UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kiên Giang năm 2024, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2024 như sau:
Đối với xã nông thôn mới: Năm 2024 có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Bình Giang huyện Hòn Đất, Phú Lợi huyện Giang Thành, Thổ Châu thành phố Phú Quốc, An Minh Bắc, Minh Thuận huyện U Minh Thượng). Đối với xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Vĩnh Phú huyện Giang Thành; An Sơn huyện Kiên Hải; Tân Hiệp A, Tân An huyện Tân Hiệp; Giục Tượng huyện Châu Thành; Hòa Lợi huyện Giồng Riềng; Vĩnh Phước A; Định Hòa huyện Gò Quao; Thạnh Yên huyện U Minh Thượng; Thuận Hòa, Vân Khánh huyện An Minh; Vĩnh Phong huyện Vĩnh Thuận). Đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến hết năm 2024 toàn tỉnh phấn đấu có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (gồm: Tân Hiệp B huyện Tân Hiệp, Thạnh Phước huyện Giồng Riềng, Bình Minh huyện Vĩnh Thuận). Đối với xã huyện nông thôn mới, phấn đấu có thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (An Minh, Kiên Hải).
Tuy nhiên, để đảm bảo cuối năm hoàn thành các chỉ tiêu được giao, Văn phòng Điều phối nông thôn mới phối hợp với các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện xây dựng phương án dự phòng thêm 11 xã và huyện Châu Thành.
Leave a Reply