Ông Hồ Quang Cua đề xuất đặc cách vấn đề gì để phát triển Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao?

Tại Hội nghị Sơ kết mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp) được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng hôm qua (4/9), ông Hồ Quang Cua – người được biết đến là cha đẻ của giống lúa ST24, ST25 được ban tổ chức mời phát biểu.

Ông Hồ Quang Cua đề xuất đặc cách gì để phát triển Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp? - Ảnh 1.

Ông Hồ Quang Cua phát biểu tại hội nghị sơ kết mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo đó, trong phần phát biểu của mình, ông Hồ Quang Cua đề xuất Bộ NNPTNT đặc cách cho lưu hành 1 số sản phẩm giúp Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp thành công nhanh hơn.

Theo ông Cua, trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, vấn đề lo lắng của ngành nông nghiệp, nó cũng được thảo luận rất nhiều lần ở các sự kiện, hội thảo là làm sao vùi và xử lý rơm rạ nhanh chóng và hiệu quả.

Thời gian qua, một đơn vị thuộc Trường Đại học Cần Thơ đã chọn ra những dòng Trichoderma có thể phân hủy nhanh gốc rạ. “Sau khi thu hoạch xong vụ lúa, chỉ cần phun 2kg dòng Trichodema này, chỉ tốn 300.000 đồng, có thể làm phân hủy nhanh gốc rạ cho 1ha” – ông Hồ Quang Cua nói.

Ông Hồ Quang Cua nói thêm, trong 5 năm qua, sản phẩm Trichoderma này đã thử nghiệm liên tục, cho kết quả thành công và đang được nhiều nông dân sử dụng.

Vấn đề thứ hai là Viện lúa ĐBSCL đã tạo ra được sản phẩm nấm xanh trị rầy và sản phẩm khác trị sâu rất hiệu quả, 2 sản phẩm này rất uy tín.

Ông Hồ Quang Cua đề xuất đặc cách gì để phát triển Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp? - Ảnh 2.

Thu hoạch lúa hè thu 2024 trong mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Huỳnh Xây

Qua trao đổi với chủ sở hữu các sản phẩm trên, ông Hồ Quang Cua được biết, rất khó khăn để đăng ký để được công nhận và lưu hành. Do vậy, chủ sở hữu các sản phẩm chỉ sản xuất thử, nhỏ lẻ.

Hiện nay, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã đến giai đoạn đi sâu vào vấn đề kỹ thuật và nhận thấy các ẩn phẩm nói trên rất tốt, ông Hồ Quang Cua đề xuất Bộ NNPTNT đặc cách cho lưu hành, phục vụ cho đề án.

“Tôi xin đề xuất Bộ NNPTNT đặc cách cho lưu hành, sử dụng sản phẩm có sẵn để giúp Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đạt hiệu quả. Cụ thể, các sản phẩm sẽ giúp rất nhiều cho việc giảm phát thải, bảo vệ môi trường” – ông Hồ Quang Cua nói.

Liên quan đề xuất của ông Hồ Quang Cua, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đề nghị Cục Trồng trọt phối hợp với Viện lúa ĐBSCL và các đơn vị có liên quan xem xét nghiên cứu.

Sau đó, nếu cần thiết, ông Nam sẽ báo cáo với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan. Tuy nhiên, theo ông Nam, các sản phẩm được đề xuất phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho đề án.

Theo Cục Trồng trọt, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp được triển khai thí điểm 7 mô hình ở vùng ĐBSCL. Trong vụ hè thu 2024, đề án triển khai 4 mô hình ở TP.Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng với tổng diện tích 196 ha.

Ước kết quả 4 mô hình thí điểm trong vụ hè thu 2024 đạt 64,52 tạ/ha, cao hơn năng suất ngoài mô hình khoảng 4,63 tạ/ha, sản lượng lúa giảm phát thải là 1.262 tấn. Theo tính toán, lợi nhuận trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ 12-20%.

Qua tính toán cho thấy, vụ hè thu 2024 ở tại TP.Cần Thơ cho kết quả giảm phát thải nhiều nhất (do thu gom rơm ra khỏi đồng và áp dụng tưới ngập khô xen kẽ).

Cụ thể, giảm đến 12 tấn CO2e/ha so với nông dân ngoài mô hình để nước ngập liên tục và vùi rơm trên đồng; giảm 5 tấn CO2e/ha so với nông dân ngoài mô hình có áp dụng AWD chung trong hợp tác xã nhưng vùi rơm trên đồng; giảm 2 tấn CO2e/ha so với nông dân ngoài mô hình để nước ngập liên tục nhưng có bán rơm (thu rơm ra khỏi đồng).

Đối với vụ thu đông 2024, đã có 3 mô hình (Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ) được gieo sạ với tổng diện tích 140 ha, ước năng suất trung bình đạt 63,34 tạ/ha và sản lượng đạt 157 tấn, dự kiến thu hoạch từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10 năm 2024.

Trong vụ thu đông, tỉnh Trà Vinh tiếp tục xuống giống 2 mô hình sau khi thu hoạch xong vụ hè thu 2024 và Kiên Giang sẽ xuống giống 1 mô hình vụ mùa trên nền đất lúa tôm 10,79 ha (từ ngày 15-25/9/2024).

Theo kế hoạch, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp sẽ thí điểm liên tiếp 3 vụ tại mỗi địa phương. Sau đó, sẽ tổ chức nhân rộng.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *