Một loại cây bình dân ra trái thơm tự dưng chết hàng loạt, ngành chức năng Sóc Trăng đang tìm nguyên nhân

Cây ổi dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, thời gian trồng và thu hoạch trái ngắn so với các loại cây ăn trái khác nên nhiều nông dân ở các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú, Châu Thành, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng)… đã phát triển diện tích trồng ổi. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xảy ra tình trạng cây ổi chết nhiều mà không rõ nguyên nhân.

Ông Trần Minh Khoa, ấp An Trung A, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Từ tháng 11/2023 đến nay, vườn ổi nữ hoàng của gia đình tôi không thu hoạch được đợt ổi nào để bán nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. 

Vườn ổi 4.000m2 của gia đình tôi đã chết cây hoàn toàn lên đến 60% diện tích và số còn lại vẫn đang trong tình trạng cây bị suy yếu nên không thể ra hoa kết trái”.

Theo ông Khoa, trước khi cây chết hoàn toàn, lá ổi có màu vàng, rồi chuyển dần sang khô và trái ổi đang xanh cũng bắt đầu khô dần rồi chuyển sang màu đen than. 

Lá ổi và trái mặc dù khô cứng nhưng vẫn dính chặt trên cành, đến lúc cây ổi đã khô hoàn toàn chỉ cần dùng tay nhổ nhẹ là toàn bộ rễ cây lên khỏi mặt đất. 

Vì vậy, ông Khoa mong muốn được các ngành chuyên môn tìm nguyên nhân cây ổi bị chết để “cứu” các cây ổi còn lại, bởi tuổi đời của cây ổi cũng đã 3, 4 năm tuổi đang giai đoạn cho trái rất tốt.

img

Ông Trần Minh Khoa (phải), ấp An Trung A, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) rất lo lắng khi cây ổi chết nhiều nhưng chưa tìm được cách khắc phục. Ảnh: THÚY LIỄU.

Cùng cảnh ngộ với ông Khoa, ông Lý Văn Phiêu, ấp An Trung, xã An Thạnh 1: “Tôi trồng ổi nữ hoàng với diện tích 6.000m2 gần 3 năm qua. 

Cây đang rất xanh tốt và đang cho trái đạt năng suất cao. Với diện tích ổi như trên, bình quân mỗi tháng, tôi thu nhập hơn 7 triệu đồng. Tuy nhiên, từ tháng 12/2023 đến nay, cây ổi bắt đầu chết dần, cho đến nay số lượng ổi chết đã lên đến hơn 80% diện tích. 

Lúc mới phát hiện cây ổi có biểu hiện lá đang xanh chuyển sang màu vàng, tôi đã mua nhiều loại thuốc phun, tưới trên cây nhưng không có tác dụng, cây vẫn dần khô lá và chết hoàn toàn sau 2 – 3 tuần. 

Tôi mong muốn được địa phương và ngành chuyên môn hỗ trợ tìm nguyên nhân cây ổi bị chết, có cách điều trị cho cây, xử lý triệt để hiện tượng cây ổi bị chết đột ngột; cùng với đó có những khuyến cáo cho nhà vườn có nên tiếp tục trồng ổi trên diện tích đất có ổi chết nữa hay không, để tôi có hướng cải tạo lại vườn trồng lại ổi hay các loại cây trồng khác”.

Đồng chí Đặng Quốc Chí – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết: “Diện tích trồng cây ổi trên địa bàn huyện Cù Lao Dung hơn 213ha, với các giống ổi chính là nữ hoàng, ruby. Cây ổi bị chết xuất hiện từ tháng 11/2023 và lan rộng bắt đầu từ tháng 4/2024. 

Qua rà soát thì hiện tượng vàng lá, chết cây ổi trên địa bàn huyện hơn 80ha, trong đó, diện tích bị nhiễm bệnh dưới 30% là 7,4ha, nhiễm bệnh từ 30 – 70% hơn 32ha và nhiễm nặng trên 70% là 40ha. 

Đơn vị đã tổ chức được 7 lớp tập huấn kỹ thuật giải pháp phòng, chống bệnh vàng lá, chết cây trên cây ổi cho 201 lượt người tham dự tại các xã, thị trấn và hỗ trợ nhà vườn thực hiện các giải pháp kỹ thuật phòng, trừ bệnh trên ổi. 

Đơn vị tăng cường phối hợp các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền nâng cao tính chủ động, tích cực của nhà vườn trong việc phòng, chống bệnh vàng lá, chết cây trên ổi”.

Còn tại huyện Long Phú có diện tích trồng ổi ước hơn 200ha, tập trung nhiều ở các xã Song Phụng, Long Đức, Trường Khánh, thị trấn Đại Ngãi, thị trấn Long Phú… 

“Cây ổi trên địa bàn huyện phát triển rất tốt, cho năng suất cao, đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các nhà vườn. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng trở lại đây, ổi trên địa bàn huyện cũng chết đột ngột ước diện tích gần 60ha. 

Để hỗ trợ nhà vườn sớm tìm ra nguyên nhân làm cây ổi chết, đơn vị đang tiến hành phối hợp ngành chuyên môn tỉnh lấy các mẫu có liên quan trên cây, đưa đi xét nghiệm tìm ra nguyên nhân gây thiệt hại cho cây ổi, nhằm sớm đưa ra phương pháp phòng trị hiệu quả, giúp nhà vườn yên tâm canh tác ổi”, đồng chí Huỳnh Hữu Hiếu – Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Phú thông tin.

Cây ổi bị nhiễm bệnh có biểu hiện là cây sinh trưởng kém, lá úa vàng; một số lá xuất hiện những mảng màu nâu làm lá bị khô khiến lá mo lại. Bộ rễ phát triển kém, bệnh nặng cây bị còi cọc, rụng lá dần từng cành và từ từ chết cây. 

Cây bị nhiễm bệnh thường xuất hiện rải rác trong vườn. Bước đầu xác định có 3 nguyên nhân gây bệnh trên ổi là do độ pH trong đất thấp (đất bị chua); tuyến trùng trong đất gây hại rễ; các nấm bệnh xâm nhập vào rễ cây ổi. 

Bệnh tấn công trên cây ổi ở nhiều lứa tuổi của cây, nhưng gây hại phổ biến và nặng trên cây từ 3 – 5 tuổi trở lên. Giống ổi bị bệnh chết phổ biến là ổi nữ hoàng.

Đồng chí Trần Vĩnh Nghi – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng chia sẻ, toàn tỉnh có diện tích trồng ổi là 1.350ha, trong đó, ổi nhiễm bệnh làm chết cây gần 260ha. 

Để quản lý dịch bệnh gây thiệt hại trên cây ổi, khuyến cáo nhà vườn tạm thời áp dụng kỹ thuật trong quản lý bệnh vàng lá, chết cây trên ổi bằng cách xới đất xung quanh bộ rễ, sau đó bón hoặc tưới vôi cho cây với liều lượng 500 – 1.000kg/ha; đồng thời, bón bổ sung thêm phân hữu cơ kết hợp sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma từ 5 – 10kg/cây. 

Để kích thích bộ rễ cây khỏe mạnh có thể sử dụng một số sản phẩm bón là phân bón lá hữu cơ khoáng ROOFWELL, phân bón hữu cơ HUMIC…

Đối với cây ổi mới chớm bệnh do nấm thì cắt bỏ rễ bị thối và bôi thuốc vào vết cắt bằng các loại thuốc Aliette 80WP, Ridomil 72WP, Norshield 86.2WG (liều dùng theo hướng dẫn trên bao bì). 

Khi trong vườn có cây bị bệnh sắp chết thì phải bứng hết gốc, thu gom hết rễ đem tiêu hủy; cuốc đất vùng rễ cây bệnh bón vôi hoặc sử dụng thuốc tưới vào vùng đất xới xáo, phơi nắng đất trong thời gian khoảng 1 tháng trở lên. 

Đối với vườn ổi bị nhiễm tuyến trùng có thể sử dụng một số thuốc để phòng trị như: Velum Prime 400SC; Tervigo 020SC, nấm Trichoderma… 

Trường hợp vườn ổi bị nhiễm tuyến trùng và kết hợp bệnh thối rễ thì kết hợp thuốc trừ bệnh với thuốc trừ tuyến trùng để phòng trị. Cùng với đó, để phòng trị bệnh trên ổi hiệu quả tốt nhất chuyển giao đến nhà vườn, đơn vị đang phối hợp các nhà khoa học xác định cụ thể nguyên nhân gây dịch bệnh trên ổi và tiến hành triển khai thực hiện mô hình sử dụng các loại thuốc điều trị dịch bệnh trên cây ổi.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *