Xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân là địa phương có tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Phát huy thế mạnh đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, hướng tới NTM kiểu mẫu, xã đã chú trọng đến việc cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình vườn kiểu mẫu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp. Qua đó, không chỉ tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn, mà còn nâng cao thu nhập của người dân.
Khu vườn kiểu mẫu của gia đình ông Trần Văn Thuỷ (thôn Thổ Ốc) là một trong những điển hình tiêu biểu được nhiều người dân địa phương đến tham quan, học tập. Khu vườn có diện tích 1.200m2 được ông Thuỷ quy hoạch trồng cây thanh long ruột đỏ. Trong vườn được đầu tư lắp đặt bể chứa nước, có hệ thống tưới tiêu, hố xử lý rác hữu cơ… Nhờ vậy việc chăm sóc cây trồng được thuận tiện, đạt hiệu quả cao.
Ông Trần Văn Thuỷ cho biết: Gia đình tôi trồng thanh long ruột đỏ từ năm 2014, nhưng chỉ trồng số lượng ít, tiện đâu trồng đấy nên cây cối rậm rạp khiến việc chăm sóc khó khăn, hiệu quả kinh tế cũng không cao. Năm 2022, thực hiện chủ trương và hướng dẫn của xã về cải tạo vườn tạp thành vườn kiểu mẫu, tôi đã cùng gia đình bắt tay tiến hành cải tạo lại khu vườn, lúc đó mới thấy giá trị của đất vườn khi được đầu tư đúng hướng.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng thanh long (từ cách chọn giống, quy cách trồng, cách chăm sóc để cây thanh long cho quả với năng suất cao, chất lượng tốt), ông Thủy bắt đầu lên liếp, trồng thanh long theo quy cách chiều cao trụ bê tông từ mặt đất lên đỉnh là hơn 1 mét, mỗi liếp đều xẻ rãnh để phục vụ tưới tiêu.
Theo ông Thủy, cây thanh long có bộ rễ ăn lan nên thích hợp với loại đất cao. Thanh long quang hợp mạnh nên khoảng cách mỗi cây cách nhau 2,5 – 3m là thích hợp. Nhờ áp dụng, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật mỗi năm vườn thanh long của gia đình ông Thủy cho ra 3 đợt trái, giá bình quân từ 20.000 – 40.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí ông Thuỷ có thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm.
Năm 2022, được cán bộ các cấp, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động, gia đình bà Nguyễn Thị Vinh, thôn Thổ Ốc cũng mạnh dạn cải tạo 750m2 vườn tạp trồng thanh long thành vườn kiểu mẫu. Sau khi cải tạo vườn tạp, năng suất, chất lượng của cây thanh long cho hiệu quả cao hơn hẳn.
Bà Vinh chia sẻ: Trước đây, gia đình chỉ trồng với quy mô nhỏ, manh mún, không áp dụng khoa học kĩ thuật trong canh tác, dẫn đến cây trồng cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém. Từ khi cải tạo lại vườn, năng suất của cây thanh long đạt từ 1,3 đến 1,5 tấn/năm, đem lại nguồn thu gần 100 triệu đồng/năm.
Xã Trần Hưng Đạo bắt đầu triển khai xây dựng mô hình vườn kiểu mẫu vào năm 2022. Ban đầu xã chọn một số hộ gia đình có diện tích đất phù hợp để triển khai thí điểm, cử cán bộ phụ trách đến hướng dẫn, bắt tay cùng làm với nhân dân.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ 3 triệu đồng/mô hình, xã Trần Hưng Đạo còn tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi; tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật…
Sau 2 năm triển khai mô hình, hiện nay toàn xã đã có 5 vườn kiểu mẫu, chủ yếu trồng cây thanh long. Trung bình mỗi vườn cho thu nhập từ 70 – 150 triệu đồng/năm. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, vườn kiểu mẫu còn góp phần tạo nên diện mạo mới cho cảnh quan nông thôn nơi đây.
Ông Phạm Trần Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Thời gian tới, xã Trần Hưng Đạo tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con cải tạo vườn tạp, cùng với đó tăng cường nguồn lực để hỗ trợ, giúp các hộ gia đình đăng kí xây dựng mô hình vườn kiểu mẫu. Năm 2024, xã phấn đấu có thêm nhiều vườn kiểu mẫu, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Leave a Reply