Nguồn cung nhà ở xã hội thiếu trầm trọng so với nhu cầu
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã cập nhật danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong các kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố giai đoạn 2021 – 2025 (đợt 3). Theo đó, có 6 dự án nhà ở xã hội tập trung tại các quận, huyện: Long Biên, Ba Đình, Thanh Trì, Thạch Thất. Các dự án dự kiến hoàn thành trong khoảng các năm 2026 – 2029, cung cấp ra thị trường gần 8.350 căn hộ.
Bộ Xây dựng cho biết, Hà Nội là một trong những thành phố có nguồn cung nhà ở xã hội rất thấp. Dù vậy, số lượng nhà ở xã hội đăng ký xây mới năm 2024 tại thành phố này rất ít.
Theo UBND TP.Hà Nội, thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng trên thực tế, mục tiêu về quỹ đất cho nhà ở xã hội và số lượng căn hộ được xây dựng đều hạn chế. Trong năm 2024, Hà Nội đang triển khai 3 dự án nhà ở xã hội với 1.180 căn hộ, đạt tổng số 10.000 căn. Tuy nhiên, số lượng căn hộ nhà ở xã hội của Hà Nội hiện nay cũng chỉ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu.
Trong khi đó, theo chỉ tiêu được giao tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030” của Chính phủ, đến năm 2025, Hà Nội phải hoàn thành 18.700 căn hộ. Nếu hoàn thiện đủ 3 dự án trong năm 2024 thì trong năm 2025, Hà Nội còn phải xây dựng thêm 8.700 căn hộ mới hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao.
Để phát triển phân khúc nhà ở xã hội, ngoài việc làm tốt công tác giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (nay là 140.000 tỷ đồng, do có thêm 4 ngân hàng tham gia), cơ quan Nhà nước cần giám sát chặt chẽ việc thi hành các quy định mới. Điều này thúc đẩy hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội đã khởi công trước đó tại Hà Nội và TP.HCM.
Qua tổng hợp của Bộ Xây dựng, đến nay mới có 34/63 tỉnh thành có văn bản, công bố 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Các ngân hàng đã giải ngân số tiền là 1.344 tỷ đồng bao gồm: 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án. Tốc độ giải ngân của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện rất chậm.
Để tăng nguồn cung nhà ở xã hội doanh nghiệp cần quỹ đất
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội thực hiện các dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận đất đai (quy hoạch bố trí quỹ đất, công khai dự án); nguồn vốn và khả năng tiếp cận tín dụng; thủ tục hành chính (trong đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt giá bán nhà)…
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhiều nhà đầu tư làm nhà ở xã hội, đầu tiên họ cần quỹ đất. Doanh nghiệp mong muốn được nhà nước, các sở ngành liên quan giới thiệu các quỹ đất sạch với chi phí hợp lý để kéo giá thành xuống thấp phù hợp người mua.
Cũng theo ông Châu, Nghị định 16/2022 của Chính phủ đã bỏ tiêu chí về điều kiện nơi cư trú, một trong những “rào cản” gây khó cho người dân khi tiếp cận nhà ở xã hội. Ngoài ra, quy định mới đã “nới” khung thu nhập bình quân lên mức 15 triệu, thay vì mức 11 triệu đồng/tháng như trước đây.
“Với các quy định mới sẽ giảm thiểu tình trạng đầu cơ nhà ở xã hội, giúp người thu nhập thấp có nhiều cơ hội tiếp cận đến phân khúc này. Tuy nhiên, để giải quyết gốc rễ vấn đề, điều quan trọng hơn là cần sớm đẩy mạnh nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội”, ông Châu chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc nới lỏng một số điều kiện cho người mua nhà ở xã hội sẽ tạo thuận lợi hơn cho người có nhu cầu. Ngoài ra, khó khăn về nhà ở xã hội lâu nay vẫn là thiếu quỹ đất. Vì vậy, Nhà nước cần sớm tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp tham gia đấu giá thực hiện, khi nguồn cung tăng lên sẽ gia tăng cơ hội cho người thu nhập thấp mua được nhà.
Leave a Reply