Trong những năm qua, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” và phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương hội viên, phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Với mong muốn cải thiện thu nhập gia đình, chị Nguyễn Phạm Thanh Trang, sinh năm 1981, hiện là Chủ trại dế Thành Tài, ấp Phú Quới, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây đã vượt qua nhiều khó khăn để khởi nghiệp thành công với mô hình “Nuôi dế thương phẩm”.
Mới đây, Đoàn công tác Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Yên Luông đã đến tham quan mô hình “Nuôi dế thương phẩm” của chị Trang và ai cũng phải trầm trồ với mô hình mới lạ, độc đáo, ít vốn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, phù hợp với hội viên, phụ nữ.
Chị Trang cho biết, năm 2005, chị lập gia đình và về sinh sống bên nhà chồng tại ấp Phú Quới, xã Yên Luông.
Khi ấy, chị Trang làm nghề may gia công, nhưng từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, chị bị mất việc làm, nên thu nhập của hai vợ chồng chị rất bấp bênh, thường bị thiếu hụt trong chi tiêu gia đình, đặc biệt cuộc sống của vợ chồng chị càng khó khăn hơn khi sinh đứa con đầu lòng.
Do đó, chị Trang luôn trăn trở phải tìm một nghề hay một mô hình nào đó để làm nhằm cải thiện thu nhập, chăm lo cho cuộc sống gia đình tốt hơn.
Hội LHPN xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) đến tham quan mô hình “Nuôi dế thương phẩm” của chị Trang.
Lúc bấy giờ, chị Trang thường nhìn thấy trong xóm có nhiều người thường xuyên đi mua dế về làm thức ăn cho chim.
Thế là về nhà chị bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về đặc tính của loài dế và con đường khởi nghiệp với mô hình “Nuôi dế thương phẩm” của chị cũng bắt đầu từ đây.
“Để phát triển ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực, tôi đã lên mạng Internet, xem truyền hình, đọc báo tìm hiểu về nuôi dế và thấy mô hình này còn khá mới mẻ, rất thích hợp với khu dân cư, với các gia đình có diện tích đất hẹp, đặc biệt nuôi dế không gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi tìm hiểu, tôi đã bàn với chồng mạnh dạn đầu tư, mua dế giống về nuôi 7 chuồng thử nghiệm.
Ban đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, đàn dế bị bệnh chết hàng loạt, một số dế bị kiến ăn, số dế nuôi lớn thì không tìm được thị trường đầu ra…”, chị Trang kể về lúc đầu mới khởi nghiệp.
Dù vậy, vợ chồng chị Trang không nản lòng, động viên nhau tiếp tục với nuôi dế. Nhờ kiên trì và chịu khó học hỏi, chị Trang không chỉ tích lũy cho mình kiến thức nuôi dế lớn nhanh, lớn khỏe, mà còn tìm được cách để nhân giống dế bằng cách cho dế đẻ trứng và tự nở.
Với sự nỗ lực vượt khó, siêng năng trong lao động, vợ chồng chị Trang đã thành công bước đầu, tìm được thị trường đầu ra để bán dế thương phẩm.
Chị Trang cho biết, con dế ít bị bệnh, thức ăn có thể tận dụng được ngay ở trong vườn nhà hoặc mua thì cũng có giá rẻ, vì dế ăn cám gạo, cám bắp và các loại rau lá, chủ yếu lá khoai mì, khoai lang, lục bình…
Cùng với đó, thời gian nuôi dế cho thu hoạch nhanh, chỉ trong vòng 32 ngày, vốn đầu tư ít nên ai chịu khó thì đều có thể khởi nghiệp” được với việc nuôi dế.
Tận mắt nhìn thấy chị Trang chăm sóc đàn dế chúng tôi mới cảm nhận rõ niềm đam mê nuôi dế của chị với việc nắm rõ quy trình phát triển của dế, chăm sóc, thức ăn cho dế sao cho phù hợp. Suốt ngày, chị ở trong trang trại chăm sóc hàng trăm đàn dế ở các dãy chuồng.
“Một ngày cho dế ăn 3 – 4 lượt, tưới nước phun sương tạo độ ẩm cho dế mát mẻ, dọn dẹp vệ sinh thức ăn thừa để chuồng trại luôn sạch sẽ, thông thoáng. Còn chồng tôi thì phụ đi hái rau, lá khoai mì, mang về cho tôi phân chia cho đàn dế ăn, lá khoai mì là loại thức ăn dế yêu thích nhất”, chị Trang cho biết.
Khi đã có kinh nghiệm nuôi dế và có thị trường đầu ra ổn định, chị Trang mở rộng thêm chuồng trại. Tuy nhiên, do khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, tích lũy chưa nhiều nên chị thiếu vốn.
Trong lúc khó khăn, chị được sự tư vấn, giúp đỡ của Hội LHPN xã Yên Luông và được hỗ trợ vay 10 triệu đồng, cùng với số tiền tích góp được, chị đầu tư thêm 4 dãy chuồng trại mới để nuôi dế.
Hiện nay, diện tích trại dế Thành Tài của gia đình chị Trang khoảng 100 m2 tương đương nuôi được 20 dãy chuồng.
Hằng ngày, chị xuất bán ra thị trường từ 6 – 10 kg dế thành phẩm, dế thịt, cung cấp phục vụ cho các quán ăn, nhà hàng và nhiều người ở các huyện lân cận để làm thức ăn cho chim, bồ câu, cá cảnh, rắn mối, ếch…
Chị Trang cho biết, dế thương phẩm có giá ổn định, trung bình từ 90.000 đồng đến 95.000 đồng/kg. Ngoài ra, chị còn tự mày mò nghiên cứu để ấp dế giống từ trứng của dế mẹ.
Chị Trang phấn khởi cho biết, ngoài sự tư vấn về hỗ trợ vốn vay, chị còn được Hội LHPN xã Yên Luông giới thiệu, tạo điều kiện cho chị được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu với các gương điển hình nông dân, phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Qua các buổi giao lưu, gặp gỡ, trại dế của chị Trang ngày càng được nhiều người biết đến, các đoàn đến thăm mô hình “Nuôi dế thương phẩm” của chị ngày càng nhiều hơn, mở ra con đường phát triển với mô hình nuôi dế của gia đình chị.
Mô hình “Nuôi dế thương phẩm” đã giúp gia đình chị Trang, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình không ngừng phát triển.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, mà chị Trang còn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi dế và tạo đầu ra cho các hộ dân địa phương nuôi dế, đem lại thu nhập ổn định cho các hộ từ 4 – 5 triệu đồng/tháng.
Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Luông Lê Ngọc Tuyến cho biết, chị Nguyễn Phạm Thanh Trang là hội viên phụ nữ cần cù, chịu khó, với sự nhạy bén, tìm tòi, học hỏi và siêng năng trong lao động, chị đã phát triển kinh tế gia đình, với mô hình khởi nghiệp “Nuôi dế thương phẩm” thành công cho hiệu quả kinh tế rất phấn khởi.
Mô hình nuôi dế của chị Trang còn là nơi được các hội, đoàn thể trong và ngoài huyện Gò Công Tây tìm đến tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm.
Leave a Reply