Hậu Giang hỗ trợ hiệu quả phát triển sản phẩm OCOP

Những sản phẩm này đã tạo dấu ấn riêng, đó là khai thác được lợi thế về vùng nguyên liệu, đặc trưng riêng của tỉnh, nhất là tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Doanh nghiệp khẳng định chỗ đứng

Lợi thế của Hậu Giang là ngành nông nghiệp có nền tảng phát triển và định hướng rất rõ ràng, cụ thể là những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, đồng thời có nhiều sản phẩm có lợi thế sinh thái đặc thù theo từng địa phương, rất thuận lợi trong việc lựa chọn loại nông sản mang tính đặc trưng riêng để thực hiện Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm (OCOP). Các sản phẩm nông nghiệp tham gia chương trình OCOP của tỉnh, như: Lúa, chanh không hạt, mãng cầu xiêm, khóm Cầu Đúc, xoài, mít, bưởi, cá thát lát…, đều là những sản phẩm chủ lực, đặc trưng được tỉnh chọn để đưa vào quy hoạch của ngành nông nghiệp.

Gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ gia đình đầu tư máy móc, kỹ thuật, hiện đại hóa quy trình sản xuất để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và hướng tới thị trường xuất khẩu.

Hậu Giang hỗ trợ hiệu quả phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Sản phẩm xoài sấy dẻo muối ớt của Công ty TNHH Ba Sương – Long Mỹ được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2023. Ảnh: Y.L

Ông Huỳnh Thành Hữu – Chánh Văn phòng điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hàng năm, tỉnh đã dành nguồn kinh phí không nhỏ để hỗ trợ người dân cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, truy xuất nguồn gốc, cũng như xây dựng các vùng nguyên liệu và thực hiện mô hình sản xuất an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Anh Trần Minh Nìm – Công ty TNHH Niềm My (ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ), thông tin: Thời gian qua, công ty nhận được sự hỗ trợ từ tỉnh là máy hạ thủy phần, diệt men mật ong trị giá 275 triệu đồng, từ đó giúp sản lượng mật tăng gấp 10 lần so với lúc trước, tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn. Nhờ đó, người dân có thể tận dụng đất trống để trồng tràm, vừa bán được tràm vừa thu hoạch mật ong, góp phần tăng thu nhập. Công ty có 2 sản phẩm OCOP 3 sao là Mật ong Hương tràm và Mật ong nguyên sáp Hương Tràm; sản phẩm sữa ong chúa được công nhận 4 sao. Khi được công nhận, sản phẩm tung ra thị trường được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn, từ đó góp phần phát triển cho công ty.

Bằng nỗ lực của các doanh nghiệp và nhờ các cơ chế, chính sách khuyến khích của tỉnh, các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng phát triển và được đánh giá cao. Năm 2019, nhờ chính sách khuyến công của tỉnh, HTX Kỳ Như (ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp) được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư 1 máy sấy năng lượng mặt trời khoảng 500 triệu đồng. Nhờ được hỗ trợ kịp thời, HTX tiết kiệm được chi phí cũng như chất lượng sản phẩm khô cá tăng lên đáng kể.

Chị Nguyễn Kim Thùy – Giám đốc HTX Kỳ Như, chia sẻ: Trước khi có máy sấy, HTX rất vất vả trong quá trình phơi khô cá, làm thủ công cần 5-8 người đem cá phơi nắng, với số lượng khoảng 500kg, khi trời mưa cần khoảng 10 người gom hàng lại, nếu làm không kịp hàng bị ướt dẫn đến chất lượng kém đi. Nhờ có máy sấy năng lượng mặt trời, chất lượng sản phẩm đồng đều, không còn phải lệ thuộc mưa, nắng thất thường; giảm được 50% giá thành. Người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm, từ đó giúp tiêu thụ sản phẩm tăng lên, cho nên cơ sở ổn định được sản xuất.

“HTX thường xuyên tham dự các hội chợ, triển lãm hàng nông sản tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Người tiêu dùng đón nhận và tin tưởng thương hiệu HTX Kỳ Như ngày càng tăng lên trên khắp cả nước, sản phẩm đã có mặt trên nhiều tỉnh, thành như: Hậu Giang, Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ… HTX đang phát triển, mở rộng sản xuất, xây dựng nhà xưởng mới từ nguồn vốn của tỉnh. Nhà xưởng được khởi công từ đầu năm 2023 và dự kiến cuối năm 2024 hoàn thành sẽ đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người tiêu dùng khắp cả nước và đang nhắm đến xuất khẩu ra nước ngoài” – chị Nguyễn Kim Thùy chia sẻ thêm.

Tăng sức cạnh tranh của sản phẩm

Hậu Giang hỗ trợ hiệu quả phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm OCOP Hậu Giang tham gia vào các kỳ hội chợ nhằm quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Ảnh: Y.L

Theo thời gian, các sản phẩm OCOP Hậu Giang ngày càng đa dạng, phát triển và có được vị thế nhất định trên thị trường. Vì vậy, để sản phẩm OCOP tiếp tục khẳng định được vị thế vững chắc, bên cạnh nâng cao chất lượng hàng hóa, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn cần chủ động trong việc sắp xếp, tổ chức lại sản xuất một cách khoa học để giảm chi phí đầu vào nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên: Sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các cơ quan, đơn vị có liên quan và địa phương từ tỉnh đến cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi, không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn góp phần nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, giúp gia tăng thu nhập đáng kể cho người dân.

“Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP; cũng như có chính sách ưu tiên đối với các sản phẩm khởi nghiệp, nhằm tạo động lực, khơi nguồn sáng tạo trong phát triển sản phẩm mới, sản phẩm cải tiến. Tỉnh cũng tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó quan tâm hơn nữa việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử để tăng tính quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân” – ông Tuyên cho biết thêm.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *