Cô gái dân tộc Nùng với ước mơ giúp quả hồng vành khuyên thay đổi “số phận”
Từ lâu đời nay, cây hồng vành khuyên đã được người dân Tày, Nùng trồng ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện Văn Lãng (Lạng Sơn).
Giống hồng này dễ phân biệt ở chỗ có phần đài hoa hằn trên núm, tạo nên vành rộng nên mới có tên gọi vành khuyên. Khi quả càng già, vành khuyên càng hiện rõ.
Ước tính toàn huyện Văn Lãng có gần 2.000 ha hồng vành khuyên, tập trung nhiều ở xã Tân Mỹ; Hoàng Việt, trong đó có hơn 863ha đã cho thu hoạch quả, năng suất trung bình 6-7 tấn/ha. Cây hồng trở thành cây trồng chủ lực xóa đói, giảm nghèo của huyện, như năm 2023 doanh thu từ quả hồng đạt khoảng 75 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, quả hồng có một điểm yếu là thời gian thu hoạch rất nhanh, chín rộ chỉ trong khoảng hơn 1 tháng. Với đặc điểm thịt quả mọng nước nên khi chín, quả hồng rất dễ dập nát và khó vận chuyển đi xa.
Điều này khiến việc tiêu thụ quả hồng đặc sản xứ Lạng thường xuyên gặp khó, được mùa là giá rẻ bèo, chỉ từ vài ngàn cho đến 15.000 – 20.000 đồng/kg. Vì vậy dù người dân trồng nhiều, song chẳng có mấy hộ giàu lên nhờ cây hồng.
Vốn là giáo viên, không đành lòng nhìn thấy trái cây đặc sản thơm ngon quê mình không tiêu thụ được, cô gái người Nùng Vương Thị Thương ở khu 7, thị trấn Na Sầm (huyện Văn Lãng) đã bước ra khỏi vùng an toàn, đứng ra cùng với 7 nông dân trồng hồng thành lập HTX nông sản Toàn Thương vào năm 2021.
Với mơ ước góp phần thay đổi “số phận” quả hồng quê mình, cũng như thay đổi cuộc sống cho người nông dân trồng hồng, chị Thương dành nhiều thời gian mày mò tìm hiểu công nghệ chế biến quả hồng vành khuyên, từ đó phát triển chuỗi giá trị hồng vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo thu nhập bền vững cho gia đình, đặc biệt là tạo việc làm mới cho chị em phụ nữ dân tộc Tày, Nùng ở địa bàn huyện.
Tháng 10/2021, cô gái người Nùng may mắn được Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn tạo điều kiện cho tham gia chuyến học tập kinh nghiệm về sản xuất hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản tại Đà Lạt (Lâm Đồng).
Sau đó, chị Thương tiếp tục được sự hỗ trợ của Sở Công Thương về máy móc, chị đã liều cầm cố nhà cửa để vay vốn ngân hàng và người thân, đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với tổng diện tích trên 1.000 m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh và mua sắm thêm các máy móc, thiết bị, như: Máy gọt vỏ, máy hút chân không… Tổng chi phí lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Chị Thương kể: Với nhà xưởng hiện đại như thế, tôi cũng như mọi người đều nghĩ các mẻ hồng sẽ thành công, nhưng không ngờ khi gặp thời tiết bất thường, độ ẩm cao, một giàn hồng 5 tấn bị rụng hỏng hết. Ngày nào tôi cũng vào nhặt hàng xô hồng đổ đi, có lúc vừa nhặt vừa khóc trong vườn hồng…
Đến khi tìm hiểu thì chị nhận thấy, nguyên nhân hồng bị hỏng là do chọn nguyên liệu không cẩn thận, nhiệt độ, khí hậu của Lạng Sơn và Lâm Đồng khác nhau, vì vậy chị điều chỉnh công thức cho phù hợp.
Đến năm 2022, chị Thương đã xây dựng thành công quy trình sản xuất hồng sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hồng sau khi thu hoạch được gọt vỏ, treo giàn trong nhà kính khoảng 15-20 ngày.
Trong quá trình treo đến ngày thứ 5-7, hồng được massage để tăng vị dẻo tạo mật ngọt tự nhiên, không bị chát. Kể cả khi bảo quản trong tủ đá, sản phẩm hồng vẫn có dạng kem, không bị đóng dăm đá hay khô cứng.
Theo chị Thương, để có được sản phẩm hồng treo gió ngon, chất lượng và màu sắc đẹp đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ trong từng khâu.
Ngay từ lúc chọn nguyên liệu, cần chọn những quả hồng to đẹp, chín vừa tới, không bị sứt, sẹo hay bị thâm, dập quả. Sau đó, hồng được rửa sạch, hong khô và gọt vỏ (giữ nguyên cuống quả), rồi treo trong nhà kính. Nhà kính được thiết kế với các thiết bị đảm bảo giữ cho độ ẩm không khí, ánh nắng phù hợp.
Mặc dù thị trường đã có nhiều sản phẩm hồng treo gió, nhưng có một điều giúp chị Thương tự tin khi đưa sản phẩm ra thị trường, đó là hồng Lạng Sơn có vị ngọt tự nhiên, màu sắc đẹp, vỏ mỏng mềm, rất gần với các thị trường tiêu thụ rộng lớn như Hà Nội, Hải Phòng…
Chị Thương còn mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, gắn mã truy xuất nguồn gốc trên tường cây hồng và đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, sau khi tham gia các lớp tập huấn về marketing, chị Thương đã đầu tư mạnh tay cho bao bì sản phẩm để đưa hồng vành khuyên treo gió lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, nhờ đó đã tạo ra sự lan tỏa lớn về thương hiệu.
Quả hồng cho giá trị gấp 20 lần nhờ chế biến sâu
Kể về những ngày đầu khởi nghiệp, chị Thương cho biết ai cũng bảo chị liều lĩnh. Bởi hầu hết các chị em phụ nữ thường muốn an toàn, nếu có vốn cũng hay tích lũy, hoặc đầu tư mua đất mua vàng, trong khi chị làm nông sản mà lại dám thế chấp nhà cửa, dám chịu trách nhiệm bao tiêu 80% sản lượng cho nông dân.
Không chỉ thế, chị còn “ăn ngủ tối ngày” với quả hồng để đảm bảo những quả hồng vành khuyên treo gió có chất lượng tốt nhất, nghiên cứu ra các sản phẩm khác như trà hồng lên men, hồng chưng cất lạnh và dấm hồng lên men.
Từ chỗ quả hồng tươi bán với giá 10.000 – 25.000 đồng/kg, sau khi chế biến, đặc sản hồng vành khuyên xứ Lạng có giá từ 300.000 – 400.000 đồng/kg.
Ý tưởng sản xuất hồng vành khuyên treo gió trong nhà kính của chị Thương đã tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, kết quả ý tưởng của chị Thương đã giành giải Nhất chung cuộc.
Có lẽ đây cũng chính là điều mà cô gái người dân tộc Nùng Vương Thị Thương khiến các nhà đầu tư ấn tượng khi chị tham gia gọi vốn trên chương trình SharkTank Việt Nam mùa 7.
Tại chương trình, ngoài sản phẩm chủ lực là hồng treo gió, chị Thương còn mời các vị “cá mập” thưởng thức trà làm từ vỏ quả hồng – một sản phẩm chế biến sâu của HTX, khiến ai cũng thích thú.
Với những thành công bước đầu, chị Thương đang ấp ủ dự án đưa sản phẩm hồng vành khuyên treo gió xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Trung Quốc. Muốn vậy, chị cần nguồn vốn lớn hơn và đó là lí do chị tham gia chương trình SharkTank để tìm kiếm nhà đồng hành với dự án của mình.
Là người đưa ra thỏa thuận đầu tiên, Shark Bình (Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech) bày tỏ hứng thú muốn cùng livestream với startup để bán hồng treo gió.
Shark Bình đưa ra đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng, trong đó 1 tỷ đầu tiên cho 20% cổ phần dựa trên giả định tài sản doanh nghiệp (sau khi bỏ ra phần đất) là 4 tỷ, 4 tỷ còn lại là khoản vay ưu đãi sau khi đã được giải ngân 1 tỷ đồng.
Bày tỏ sự cảm kích trước tâm huyết của chị Thương và giá trị nhân văn của sản phẩm hồng treo gió, Shark Minh Beta (Bùi Quang Minh, ông chủ cụm rạp chiếu phim Beta Cinemas) cũng mong muốn được đồng đầu tư, để tạo thêm nguồn lực cho HTX Nông sản Toàn Thương phát triển đặc sản bản địa, đưa sản phẩm xuất khẩu ra thế giới.
Vụ hồng vành khuyên năm 2022, HTX nông sản Toàn Thương đã liên kết tiêu thụ quả tươi với 10 hộ dân và 2 HTX với tổng diện tích 20ha trồng theo hướng hữu cơ, sản lượng thu 160 tấn/năm. Năm 2023, HTX ước tính doanh thu đạt 6 tỷ đồng, lợi nhuận 2,1 tỷ đồng. Chị Vương Thị Thương đang đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 là 10 tỷ đồng.
Đến nay, HTX của chị Thương đã có 30 xã viên, 100 lao động gián tiếp, trong đó 80% là phụ nữ dân tộc Tày, Nùng, 10% lao động khuyết tật.
Leave a Reply