Khánh Hòa có 2 đặc sản hiếm ít nơi nào sánh kịp, vì sao tỉnh đang xúc tiến xây dựng tiêu chuẩn quốc gia?

Chưa có chuẩn mực để đánh giá

Hiện nay, Khánh Hòa đang sở hữu, khai thác 173 hang yến, với 33 đảo yến và nhiều nhà nuôi với sản lượng yến sào thành phẩm lớn. 

Từ nguồn nguyên liệu dồi dào đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, như: Yến sào nguyên tổ, tinh chất yến sào, nước yến sào, rượu yến sào, các loại bánh từ yến sào… Đối với trầm hương, sản phẩm trầm hương của Khánh Hòa đã nổi tiếng trong cả nước, hình thành nhiều làng nghề chế tác trầm, đóng góp cho sự phát triển ngành trầm hương Việt Nam. 

Cả hai loại sản vật này đã trở thành sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của Khánh Hòa, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Tuy quý hiếm nhưng cả yến sào và trầm hương đều chưa có chuẩn mực cụ thể để đánh giá nên người tiêu dùng khó phân biệt thật, giả, sản phẩm tốt, xấu. 

Ông Biện Quốc Dũng – Chủ tịch Hội Trầm hương Khánh Hòa cho biết, lâu nay chưa có tiêu chuẩn nào để phân loại, đánh giá về trầm hương. Trong mua bán, phần lớn dựa vào cảm nhận, sự tin tưởng, kinh nghiệm và đồng thuận. 

Việc phân hạng sản phẩm theo chất lượng để định giá cũng chỉ được các cá nhân, doanh nghiệp tổ chức thực hiện theo cảm quan (màu sắc, mùi vị…) mà không có chuẩn mực cụ thể về các tiêu chí, các định mức chất lượng nào để đánh giá. Do đó, công tác quản lý nhà nước, việc đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng đối với 2 mặt hàng này gặp rất nhiều khó khăn.

img

Tinh chế yến sào tại Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Văn Tưởng – Chủ tịch Công ty TNHH ATC – Trầm hương Khánh Hòa khẳng định: “Việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho trầm hương và yến sào đáng lý phải được xây dựng từ nhiều năm trước. 

Đây là những sản vật từ lâu đã được người tiêu dùng trong nước và quốc tế công nhận về chất lượng. Do đó, cần sớm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho trầm hương và yến sào nhằm khuyến khích phát triển kinh tế xanh. 

Mong UBND tỉnh sớm xây dựng được các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp để các doanh nghiệp, hiệp hội có điều kiện kinh doanh, phát triển trầm hương và yến sào. Việc xây dựng các tiêu chuẩn chính là thiết lập hàng rào hữu hiệu để bảo vệ cho trầm hương và yến sào Khánh Hòa”.

Cần sớm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia

Để tạo ra công cụ hữu hiệu ngăn chặn yến sào và trầm hương kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng là cần thiết và phù hợp. 

Tuy nhiên, ngoài Khánh Hòa, trên cả nước còn nhiều địa phương khác có nguồn lợi yến sào và trầm hương, như: Bình Định, Quảng Nam, Kiên Giang, Tiền Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, Quảng Bình… Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải xây dựng tiêu chuẩn vừa phù hợp với cả nước nhưng vẫn có những yếu tố để phân biệt được tính đặc hữu của yến sào và trầm hương Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Sanh Đương – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho biết, trên địa bàn tỉnh phần lớn các sản phẩm từ yến sào và trầm hương được sử dụng dưới dạng các sản phẩm chế biến, như: Thực phẩm, thuốc, nhang, hàng thủ công mỹ nghệ… 

Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật không có quy định mang tính bắt buộc về mức giới hạn dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm, quy định giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giới hạn ô nhiễm kim loại nặng, giới hạn ô nhiễm vi sinh vật… đối với sản phẩm từ yến sào và trầm hương. 

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang vận dụng các quy định khác nhau để tự công bố chất lượng sản phẩm. Do đó, quan điểm của Sở Công Thương là nên đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng quy chuẩn quốc gia cho hai dòng sản phẩm này, bởi nếu chỉ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia thì không mang tính bắt buộc, các cơ sở có thể áp dụng hoặc không áp dụng.

Theo bà Trịnh Thị Hồng Vân – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa, việc xây dựng quy chuẩn quốc gia là cần thiết nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó, trước mắt nên xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, sau đó tiếp tục xây dựng quy chuẩn quốc gia. 

Đối với yến sào, khi xây dựng tiêu chuẩn nên xây dựng thành 2 loại yến đảo và yến nuôi. “Từ năm 2004 đến nay, có rất nhiều nhà nuôi chim yến, hộ kinh doanh, công ty kinh doanh ngành yến nhưng không có một tiêu chuẩn riêng của Việt Nam để nhận biết chất lượng yến cụ thể của các đơn vị. 

Các cơ quan chức năng khi kiểm tra cũng không có tiêu chuẩn để giải quyết các vấn đề này. Chính vì vậy, Nhà nước nên xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho yến sào và trầm hương càng sớm càng tốt” – bà Vân nói.

Ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa: UBND tỉnh thống nhất sẽ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho yến sào và trầm hương; giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia gửi Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Khi thực hiện, sẽ xây dựng tiêu chuẩn yến đảo và yến nuôi riêng biệt; xây dựng các giải pháp để bảo vệ tính đặc trưng, đặc hữu, giá trị thương hiệu cho yến sào và trầm hương Khánh Hòa. UBND tỉnh cũng giao Sở Khoa học và Công nghệ làm việc với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia để xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về trầm hương và yến sào cho phù hợp.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *