Báo cáo kết quả công tác giai đoạn 2019 – 2024, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nguyễn Văn Thắng cho biết, Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam chính thức thành lập năm 2019. Đến nay, trải qua 5 năm, Hội đã có tổng số 18 tổ chức hội viên và 455 hội viên cá nhân – bao gồm những cán bộ, công dân có nhiệt huyết, năng lực đối với công tác KTTV.
Nhiệm kỳ Đại hội nhiệm kỳ I (2019 – 2024), Ban chấp hành Hội gồm 51 đồng chí đã nỗ lực kiện toàn tổ chức và xây dựng nền móng cho những nhiệm kỳ tiếp theo, điều hành các hoạt động của Hội góp phần cùng các cơ quan nhà nước không ngừng nâng cao vai trò của ngành KTTV.
Cùng với hoàn thiện công tác tổ chức đến các chi hội, Hội đã kiện toàn các chức danh với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học, nghiên cứu viên, cán bộ viên chức đã và đang công tác trong lĩnh vực hoạt động về KTTV trên phạm vi cả nước.
Hội đã thành lập 2 viện nghiên cứu trực thuộc, đó là Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường, trụ sở tại Hà Nội và Viện Phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh.
Thời gian qua, Hội cũng tham gia xây dựng dự thảo Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các chuyên gia tham gia Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã phản biện cho 25 Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của các Quy hoạch tỉnh.
Tham gia xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP), Thông báo quốc gia lần thứ tư của Việt Nam gửi Ban thư ký Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu… Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng được triển khai thường xuyên theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình tài trợ Các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP-GEF/ SGP) đề xuất Dự án: “Vận dụng tri thức địa phương và nông nghiệp thông minh nhằm nâng cao năng lực thích ứng, cải thiện sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình”.
Trong nhiệm kỳ I, Hội cũng đã tích cực thông tin, phổ biến kiến thức, nâng cao nghiệp vụ cho hội viên; tham gia các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về KTTV và đời sống, cũng như các hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam…
“Cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng, người dân”
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và biểu dương những kết quả hoạt động của Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam thời gian qua. Mặc dù đúng vào trong giai đoạn đại dịch Covid 19 bùng phát, nhưng Hội đã vượt qua nhiều khó khăn, tích cực hoạt động và có những đóng góp quan trọng đối với ngành Tài nguyên và Môi trường. Hội đã quy tụ, tập hợp được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý uy tín trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, môi trường, biến đổi khí hậu.
“Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã thực sự là cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước về khí tượng thủy văn với cộng đồng, truyền tải thông tin phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất của người dân”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Về những nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới 2024 – 2029, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Hội tiếp tục duy trì hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích; quan tâm tới công tác phát triển Hội viên, bảo đảm đông về số lượng, mạnh về chất lượng; nâng cao chất lượng tổ chức Hội.
Thời gian tới, Hội cần chủ động đề xuất và tham gia thực hiện các nhiệm vụ liên quan của ngành tài nguyên và môi trường phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội; mạnh dạn đưa ra các quan điểm, ý kiến tư vấn, phản biện về các vấn đề của ngành, lĩnh vực có liên quan, đặc biệt là các vấn đề lớn, nhạy cảm.
Thứ trưởng cũng đề nghị Hội định kỳ tổ chức đánh giá tình hình hoạt động để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đề xuất những mô hình, giải pháp hay để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên để Bộ có định hướng và tạo điều kiện cho Hội hoạt động tốt hơn.
Tại Đại hội, đại diện Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Vụ Tổ chức phi chính phủ (thuộc Bộ Nội Vụ) đã đóng góp ý kiến nhằm phát triển công tác Hội trong nhiệm kỳ mới. Các ý kiến đề xuất Hội cần chủ động triển khai các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong các ngành, lĩnh vực có liên quan đến KTTV, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đồng thời, tích cực phát triển mạng lưới hội viên.
Sau khi thông qua các báo cáo nhiệm kỳ 2019 – 2024, Đại hội đã bầu Ban chấp hành Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2024 – 2029 với 61 đồng chí. Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới đã họp phiên đầu tiên để bầu Ban Thường vụ; bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký; bầu các chức danh trong Ban Kiểm tra và thông qua Nghị quyết Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Theo đó, Giáo sư Trần Thục tiếp tục được Ban chấp hành bầu giữ chức Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam nhiệm kỳ 2024 – 2029. Các Phó Chủ tịch Hội gồm: Ông Nguyễn Văn Thắng – kiêm Tổng Thư ký Hội (Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu), ông La Đức Dũng (Tổng cục Khí tượng thủy văn) và ông Bùi Anh Huy (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội).
Leave a Reply